Dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp
(ANTĐ) - So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay diễn biến của một số dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), viêm não, tiêu chảy vẫn chưa đến mức đáng báo động. Song với sự xuất hiện, tái xuất hiện của một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật và trên người trong thời gian gần đây, cộng thêm với một số điều kiện chủ quan, khách quan khác khiến cho nhiều người lo ngại về nguy cơ các dịch bệnh bùng phát mạnh vào cuối năm nay...
Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, PGS.TS Phạm Ngọc Đính - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đưa ra một số cảnh báo về nguy cơ này.
- PV: Dịch SXH ở một số tỉnh, thành phía Nam đang ngày càng “nóng”, trong khi ở miền Bắc dịch bệnh này cũng diễn biến khá phức tạp. Có nguy cơ bùng phát dịch SXH trên diện rộng trong nửa cuối năm 2008 này không, thưa ông?
- PGS.TS Phạm Ngọc Đính: Có thể nói năm 2007 là một năm đỉnh dịch SXH với hơn 100.000 ca mắc, năm 2008 này dịch bệnh sẽ không bùng phát mạnh hơn. Tính đến giữa tháng 7-2008, trên cả nước có khoảng hơn 16.000 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu ở miền Nam với hơn 15.000 ca, miền Trung 2.500 ca, còn lại là miền Bắc và Tây Nguyên, với tổng số 20 trường hợp đã tử vong. Type virus SXH hiện nay chưa có biến đổi, vẫn là dengue 1, dengue 2. Tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện một số điểm khác biệt so với trước đây, đó là tỷ lệ người lớn (trên 15 tuổi) mắc SXH ở khu vực phía Nam đang tăng dần (trước đây chủ yếu là trẻ em), ở miền Bắc thì tỷ lệ mắc giữa người lớn và trẻ em tương đương nhau.
Đến lúc này, tình hình dịch SXH chưa đến mức đáng báo động, song nguy cơ bùng phát mạnh từ nay đến cuối năm là rất lớn do một số nguyên nhân như: Thứ nhất, thời tiết năm nay diễn biến thất thường và mưa nhiều hơn;Thứ 2, SXH ở miền Nam năm nay xuất hiện sớm hơn và tăng cao liên tục, gần như chưa có thời điểm gián đoạn; Thứ 3, các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng chưa có nhiều biến chuyển; đặc biệt, dự án phòng chống SXH quốc gia đã tạm thời dừng lại từ cuối năm 2007, do đó toàn bộ nguồn lực từ dự án này gồm kinh phí, cộng tác viên... không còn, dẫn đến công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương rơi vào tình trạng lúng túng, bỏ bê.
Riêng ở miền Bắc, hiện mới chỉ có gần 200 ca mắc, song hơn 80% số này lại tập trung ở Hà Nội. Điều đó cho thấy nguy cơ bùng phát dịch SXH ở Hà Nội trong cuối năm nay (khi bắt đầu vào mùa dịch) là không hề nhỏ, nhất là sự gia tăng dân số cơ học, đô thị hóa trên địa bàn này vẫn còn phức tạp. Trong khi đó, Hà Nội vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều dịch bệnh khác như tiêu chảy cấp, tay chân miệng..., đó cũng có thể coi là một nguy cơ.
Các bậc phụ huynh cần cho trẻ khám, uống thuốc đúng định kỳ để tránh các dịch bệnh có thể bùng phát |
- PV: Theo thống kê từ một số BV thì tỷ lệ viêm não ở trẻ do tai biến từ các bệnh như thủy đậu, quai bị, cúm mùa... đang có xu hướng tăng. Đây có phải là một nguy cơ đáng lo ngại, thưa ông?
- PGS.TS Phạm Ngọc Đính: Từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc viêm não chưa tăng hơn so với năm ngoái, tuy nhiên đã xuất hiện một số khác biệt rất đáng cảnh báo. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này đang có xu hướng giảm đi (chiếm 15-35%, trước đây là 50-70%), cũng có nghĩa là tỷ lệ người lớn mắc bệnh đang tăng.
Tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản đang giảm (do tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản ngày càng cao), nhưng tổng số ca mắc viêm não nói chung lại chưa giảm, như vậy tỷ lệ mắc các bệnh viêm não khác đang tăng lên. Ngay ở miền Nam, những năm gần đây, số trường hợp mắc viêm não, viêm màng não đang tăng, song không phải do viêm não Nhật Bản mà là viêm não mắc phải do một số tác nhân như hội chứng sau mắc quai bị, thủy đậu, tay chân miệng, virus đường ruột, SXH... Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh viêm não mới này hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
- PV: Vậy, ông có cảnh báo gì về cách phòng, chống các dịch bệnh này?
- PGS.TS Phạm Ngọc Đính: Sự xuất hiện, tái xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở nước ta thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân như thời tiết, dịch bệnh xâm nhập... nhưng nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ ý thức phòng chống bệnh yếu kém của chính người dân. Chẳng hạn, bệnh tiêu chảy cấp, SXH đều do ý thức vệ sinh môi trường, VSATTP yếu kém. Hay 2 ổ bệnh trên động vật lây sang người ở Hà Giang mới được phát hiện gần đây, nguyên nhân đều do người dân vẫn ăn thịt trâu, bò chết bệnh, hoặc có chôn xác động vật thì cũng không đến nơi đến chốn, dễ tạo thành các ổ dịch...
Ở nhiều khu vực, các loại virus, trùng bệnh lây lan đã tồn tại trong nguồn nước, môi trường, nhiều khu vực khác còn tồn tại một số ổ dịch thiên nhiên (trên gia súc, động vật), cộng thêm với thời tiết diễn biến phức tạp... khiến cho nguy cơ bùng phát các dịch bệnh là rất lớn nếu chúng ta chủ quan. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh từ các cấp quản lý, chính quyền đến công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn.
- Pv: Xin cảm ơn ông
Tiến Hưng (Thực hiện)