Đi xem ta bắn cháy "pháo đài bay" B-52 trên bầu trời Hà Nội

ANTD.VN - Hồi Mỹ mang máy bay ném bom miền Bắc lần thứ nhất, tôi bé tí nên không nhớ gì mấy. Với lại quê tôi tuy cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 20km đường chim bay nhưng không có công trình, cầu đường quan trọng nào nên máy bay Mỹ hầu như chỉ bay qua, không ném bom bắn phá...

Đi xem ta bắn cháy "pháo đài bay" B-52 trên bầu trời Hà Nội ảnh 1Xác máy bay B52 bị bắn rơi vào 23h ngày 27-12-1972 trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

Nằm dài trên đê… xem máy bay Mỹ

Hồi năm 1972, lúc đó tôi 11 tuổi, đã khá lớn để nhớ và hiểu một số việc, nhưng cũng còn dại như ếch nhựa! Nghĩ lại thấy ngu. Thậm ngu... Ngu nhất là đi học về trưa mà thấy máy bay Mỹ bay từ  biển vào đánh Hà Nội là cả bọn túm tụm đội mũ rơm, nằm dài trên đê... xem! Thích nhất là xem máy bay ta quần nhau với máy bay Mỹ. Máy bay ta sơn màu bạc, gọi là én bạc, tiếng bay thanh nhẹ.

Máy bay Mỹ thường sơn đen sì, tiếng gầm của động cơ rất to, thường gọi là quạ đen! Bầy quạ đen Mỹ. Nhưng mà xem én bạc quần nhau với quạ đen trên bầu trời phải nói là cực hay! Những cú nhào lộn, vờn nhau, đuổi nhau rồi phóng tên lửa... Thỉnh thoảng một cái trúng tên lửa bốc cháy, dù bung ra, dân xung quanh hò reo vác cuốc xẻng gậy gộc đi bắt phi công... Cơ mà có hôm lại bắt luôn được phi công ta nhảy dù! Cũng nhiều hôm hai bên vần nhau chán chê rồi rút, chả thấy cái nào rơi! Thậm chí có hôm bọn tôi nhìn thấy một cái máy bay Mỹ bay từ phía Hà Nội ra đen sì, hai quả tên lửa của ta phụt khói trắng xóa lao thẳng về phía đó, nổ tung, lửa da cam rực trời... thế mà cái máy bay vẫn chui ra từ đám khói lửa, lao tuốt về phía biển! Bọn trẻ chúng tôi xuýt xoa tiếc rẻ, nhưng cũng thầm khen tay phi công nào đó thật điêu luyện, tránh được cả hai quả tên lửa bắn từ hai hướng tới...

“Mỹ mang B-52 đánh Hà Nội rồi!”

Đêm 18 tháng 12, lúc đó hình như mới chỉ khoảng 9h tối, tôi đã lên giường, chui vào chăn nhưng chưa ngủ. Bỗng nghe tiếng ì ì trên trời vọng xuống. Tiếng máy bay. Rất lạ. Ầm ì như tiếng sấm đằng xa chứ không gầm gào đinh tai nhức óc như mọi khi. Rồi thì nhà tôi bỗng chuyển răng rắc, rùng rùng như có động đất. Bố tôi vốn là bộ đội đánh Pháp, Mỹ mất sức về nhà làm xã đội nói, Mỹ mang  B-52 đánh Hà Nội rồi. Rồi ông khoác súng chạy ra khỏi nhà sau khi dặn anh em chúng tôi nếu có tiếng nổ gần thì lăn xuống cái hầm tăng xê đào ngay gầm giường...

Lớp học tạm nghỉ mấy hôm. Bọn tôi ra tụ tập ngoài đường làng, cũng nói chuyện thời sự như người lớn! Có mấy thằng nổi tiếng táo tợn khoe, tối qua chúng nó mò lên đê nhìn về Hà Nội xem ta bắn B-52. Nghe chúng kể tôi mê quá, tối ấy nghĩ quyết trốn bố đi xem mới được. Tối ăn cơm xong là bố tôi khoác súng đi ngay.

Đêm khuya khuya, nghe tiếng ì ì, mấy thằng choai bọn tôi âm thầm rủ nhau mò lên đầu đê. Có cả người lớn nữa, ra xem khá đông. Mặt đất rung chuyển nhẹ từng đợt. Tên lửa, pháo cao xạ tiểu cao, trung cao, đại cao của ta bắn lên như pháo hoa đêm Giao thừa mà chúng tôi đã từng đứng trên chính chỗ này nhìn về hướng trung tâm Hà Nội để xem.

Thỉnh thoảng, một chiếc B-52 trúng tên lửa cháy sáng rực... Rồi mảy máy bay, mảnh tên lửa nổ bay ra veo véo ngang trời, chém cả xuống bãi mía xoèn xoẹt... Khi ấy cả bọn mới thấy sợ, hô nhau chạy tán loạn về nhà nhảy xuống hầm nấp kỹ. Còn sợ hơn là sáng hôm sau, đầu đê, đầu làng, bên cánh bãi la liệt những quả bom chưa nổ rơi tứ tung, nằm chềnh ềnh như đàn lợn con... Bộ đội công binh phải về thu dọn cả buổi mới hết. 

Nhớ những đêm đông năm 1972

Thế nhưng đến đêm, bọn tôi lại mò lên đê xem.

Tên lửa, đạn pháo cao xạ từ phía Hà Nội lại vạch lên trời những đường lửa như hoa đăng. B-52 thỉnh thoảng trúng tên lửa lại bốc cháy rừng rực. Xem mấy hôm, bọn tôi còn phân biệt được cả đâu là B-52 cháy, đâu là máy bay thường cháy. B-52 mà cháy thì to lắm, sáng rực cả bầu trời. Thật lạ, hồi ấy còn trẻ con, nhưng bọn tôi cũng hân hoan lắm, chả gì thì quân ta đã hạ cả “pháo đài bay” bất khả xâm phạm của Mỹ cơ mà...

Sau 45 năm, hôm nọ tình cờ đi ngang qua phố Đội Cấn tôi ghé vào xem Bảo tàng Chiến thắng B-52. Nhìn xác chiếc “pháo đài bay” huyền thoại, nhìn tên lửa, cao xạ 100 ly, 57 ly, 37 ly... Tôi chợt nhớ đến những đêm đông hồi năm 1972. Thật khó mà tả lại cảm xúc khi ấy nếu đã không từng trải qua. Lo âu. Hồi hộp. Vỡ òa tự hào. Và cả những nỗi niềm như là đau thương, kinh sợ khi hôm sau nghe đài phát thanh loan tin phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai đã bị san phẳng...

Mai đây dù cuộc sống có biến thiên thế nào, thì tôi vẫn tin rằng, 12 ngày đêm của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trên bầu trời Thăng Long - Hà Nội vẫn sẽ là một mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng của quân đội ta, đất nước ta. Không thể khác được!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh sinh năm 1961 tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một dược sĩ, tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội. Ngoài tuổi 40, ông mới bén duyên với văn chương. Tuy cầm bút muộn, song với biệt tài truyện ngắn, các tác phẩm của ông đã tạo được dấu ấn trong lòng độc giả như tập truyện “Đại gia” (2013), “Kỳ nhân làng Ngọc” (2014), “Mỹ nhân làng Ngọc” (2015), “Cà phê phố cũ” (2016). Trong đó, tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” đã giúp ông gặt hái được Giải thưởng văn xuôi năm 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam.