Đi tìm... ẩn số
(ANTĐ) - Khó nhất khi giải một bài toán là đi tìm ẩn số. Trong “bài toán” kinh tế, tìm ra ẩn số càng khó hơn; kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục, song có thể nói ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến kinh tế Việt Nam không nặng nề như nhiều nước châu Á. Tăng trưởng GDP, nếu đạt mức 5% thì Việt Nam sẽ đứng vào tốp phát triển khả quan trong khu vực. Tuy vậy, cần phải tìm ra ẩn số kinh tế.
Những ẩn số đó là gì? Nguy cơ lạm phát, “bong bóng” chứng khoán, thị trường địa ốc như thế nào? Giới nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp đều có chung nhận định là, vì xuất phát điểm còn thấp nên nước ta đã tránh được “cơn bão” khủng hoảng thế giới. Việc thị trường chứng khoán sôi động trong mấy tháng qua, sự ấm lên của thị trường nhà đất khiến không ít nhà đầu tư vui mừng. Thế nhưng không ít chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp tỏ ra quan ngại về tác dụng thực sự của các biện pháp và chính sách kích cầu. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là thâm hụt ngân sách đang ở mức rất cao.
Quốc hội đã thông qua mức thâm hụt ngân sách 7% của GDP, vượt mức Ngân hàng Thế giới cho là nguy hiểm. So sánh quy mô gói kích thích kinh tế của Việt Nam với các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ấn Độ, Nga... cho thấy Việt Nam có tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lớn nhất và tỷ lệ gói kích thích tăng trưởng so với GDP cũng lớn nhất. Sau khi Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ 4% lãi suất hồi đầu năm 2009, tăng trưởng tín dụng tăng vọt từ trên 2% trong tháng 3 lên gần 18% trong tháng 6.
Song, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng trong các khu vực kinh tế đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có xây dựng cơ bản là tăng. Theo ý kiến của những nhà đầu tư có uy tín, biện pháp kích cầu của Chính phủ là “liều thuốc” đúng bệnh, nhưng quá mạnh, lẽ ra chỉ nên hỗ trợ lãi suất ở mức 2%, thì lại hỗ trợ 4% khiến cho lãi suất ưu đãi thấp hơn cả lãi suất huy động của ngân hàng. Mức chênh lệch này, khiến cho dòng tiền ưu đãi, thay vì đổ vào kích thích sản xuất thì phần lớn lại “chảy ngược” vào ngân hàng.
Nhiều người lo ngại là tiền đổ vào chứng khoán và địa ốc thời gian qua có một phần “chảy” từ gói kích thích tăng trưởng tín dụng này. Trong gói giải pháp đối phó với suy thoái kinh tế, một số giải pháp được cho là đi đúng hướng, trong đó có việc hạn chế doanh nghiệp Nhà nước đầu tư trái ngành và việc Chính phủ có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu công. Ngân hàng Nhà nước đã tỏ ra nhanh nhạy hơn trước các chỉ báo lạm phát và có xu hướng hành động sớm hơn trước. Ngân hàng đang có những động thái thắt bớt tín dụng, khiến các ngân hàng thương mại cũng đang buộc phải làm theo.
Tái lạm phát là mối lo lớn. Lo lắng là có cơ sở bởi gói kích cầu được cho là rất lớn đã khiến tín dụng tăng vọt trong mấy tháng qua. Hy vọng của giới chuyên gia và doanh nghiệp là Chính phủ sẽ sớm tìm ra những ẩn số kinh tế, ngăn chặn triệu chứng lạm phát, sử dụng các chính sách tài khóa để giải quyết các vấn đề tài khóa, thay vì dùng chính sách tiền tệ. Nên giảm quy mô gói kích cầu, để giữ thâm hụt ngân sách ở mức chấp nhận được. Các khoản chi tiêu công nên chuyển hướng vào các chương trình an sinh xã hội, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Đan Thanh