Di tích tan hoang sau đêm hỏa hoạn

ANTD.VN - Như  Báo ANTĐ đã thông tin, khoảng 23h30 ngày 5-11, tại chùa Tĩnh Lâu (hay còn gọi là chùa Sải) thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy lớn. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi toàn bộ nhà Tổ cùng đồ thờ.

Nhà tổ chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải, Tây Hồ, Hà Nội) trơ cột kèo sau đám cháy 

Không phải cháy một, hai lần

Ngay sau vụ cháy, BQL Di tích danh thắng Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội, cho biết sau vụ hỏa hoạn, nhà Tổ của chùa chỉ còn lại bộ khung sém lửa và một pho tượng Quan âm đứng. Các hạng mục kiến trúc khác của chùa như Tam quan, chùa chính (tiền đường, thượng điện), nhà Mẫu cơ bản được đảm bảo an toàn. Mức độ thiệt hại hiện vẫn chưa xác định được.

Trao đổi cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Hòa (Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội) cho biết, chậm nhất là hôm nay, 7-11, Sở VH-TT Hà Nội và UBND quận Tây Hồ sẽ có đánh giá chính xác về mức độ thiệt hại và phương án khắc phục hậu quả cùng các kiến nghị. Đề án kiểm kê, phân loại, xây dựng hồ sơ hiện vật trong di tích đã được Sở VH-TT Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua nên cơ bản có đủ tài liệu để phục dựng lại di tích và di vật vừa bị hủy hoại trong vụ cháy rạng sáng 5-11. 

Năm 2011, chùa Tảo Sách - Tây Hồ xảy cháy, lửa thiêu rụi toàn bộ gian Tam Bảo. Rạng sáng 1-12-2013, ngôi đền thờ Trung túc vương Lê Lai thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa bốc cháy dữ dội, gần như không cứu được gì. Sáng 7-7-2014,  hỏa hoạn xảy ra tại đền Nhạn Tháp ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ngôi đền từng được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc Quốc gia năm 1993 đã  tổn thất nặng nề khi toàn bộ phần hậu cung bị lửa thiêu rụi, mái ngói đổ sập, đồ thờ tự cháy sém và ám khói đen. 

Ngược dòng thời gian, năm 2007, chùa Dơi nổi tiếng ở Sóc Trăng cũng phát hỏa. Năm 2012, cháy ngôi chùa cổ 700 năm tuổi Tràsathkong (thường gọi là chùa Tắc-Gồng) tại ấp Tắc-Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Đến tháng 7-2013, hỏa  hoạn tại chùa Hội Sơn - một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở TP.HCM. Chính điện, hậu cung, các tượng cổ bằng gỗ quý và cả bức hoành phi với dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban tặng cũng hóa tro tàn.

Di tích tan hoang sau đêm hỏa hoạn ảnh 2Nhà tổ chùa Tĩnh Lâu, những gì còn sót lại sau đám cháy (ảnh:  PTTT)

Cần có một cuộc tổng kiểm tra 

Trên đây mới chỉ là con số thống kê rất sơ sài về các vụ cháy di tích và thiệt hại không thể tính được bằng tiền, bởi nó gây ra những tổn thất nặng nề cho ngành bảo tồn di sản. Sau những sự cố đau lòng kể trên, đã có nhiều kế hoạch phòng cháy và chữa cháy được đưa ra, song hỏa hoạn vẫn cứ xảy ra. Việc xới xáo, tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục triệt để vẫn đang tiếp tục được bàn, vì đụng đâu cũng có… khó khăn. 

Khó khăn là bởi, nhiều di tích tín ngưỡng mở cửa cho xã hội hóa. Các Phật tử thì tâm thành nhưng nghĩ chưa tới. Đèn điện, nến điện nhập lậu có thời gian được cúng tiến ào ạt vào các đình đền chùa miếu, nghiễm nhiên ngự trên ban thờ xen giữa cổ vật ngàn năm. Việc làm này không chỉ khiến các di tích vốn quen sắc trầm bỗng trở nên sặc sỡ xanh đỏ nhấp nháy, mà còn đánh đố các nhà nghiên cứu lịch sử về xác định niên đại. Bên cạnh đó, dây điện đấu nối lằng nhằng còn là nguyên nhân gây chập điện dẫn tới hỏa hoạn. Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã có Công văn số 2662 yêu cầu di dời hiện vật ngoại lai trong di tích. Nhưng khi đó, việc di dời sư tử đá kiểu dáng Trung Quốc được ưu tiên thực hiện nên đối với các “di vật lạ”, các cơ quan chức năng mới chỉ khuyến cáo mức độ nguy hiểm chứ chưa có biện pháp cưỡng chế.

Ví dụ đau xót cũng đã bày ra trước mắt. Rất nhiều ngôi chùa xảy cháy nguyên nhân đều được xác định do chập điện. Có lẽ sau sự việc nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu tan hoang sau một đêm, đã đến lúc, ngành văn hóa cần phải có một cuộc rà soát tổng thể về PCCC trong di tích với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố.  Di tích là tài sản quốc gia, không thể trì hoãn với lý do “đã phân cấp rồi địa phương quản lý”. Bởi lẽ, “sảy một ly đi một dặm”.