Di sản thế giới ở Việt Nam chưa được quản lý tốt

ANTĐ - Tại Hội nghị - Hội thảo “Quản lý Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội do Bộ VH-TT&DL chủ trì ngày 23-5, nhiều đại biểu, các nhà khoa học đã thẳng thắn đưa ra ý kiến về những hạn chế trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, và di sản thế giới tại Việt Nam nói riêng. 

Chưa có quy hoạch tổng thể cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Kể từ năm 1993, Quần thể Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tính đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 7 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, các quy định, quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy di sản còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong đó, một số di sản thế giới như Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long chưa có Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy di sản theo Nghị định số 70 của Chính phủ, một số nơi như Hội An, Mỹ Sơn đã có Quy hoạch tổng thể nhưng chậm triển khai. Ngoài ra, bộ máy quản lý Di sản thế giới ở nhiều địa phương còn chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới còn nhiều hạn chế… 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định, trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về di sản văn hóa cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VH-TT&DL, các Bộ, ngành Trung ương liên quan cùng UBND các tỉnh, thành phố có di sản. Thứ trưởng cũng đề nghị các Ban quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam khẩn trương hoàn thành 6 nhiệm vụ trong đó có xây dựng kế hoạch quản lý về di sản; quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy di sản… để báo cáo trước tháng 6-2014. Đồng thời, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan Vụ, Cục rà soát lại Luật Di sản văn hóa về quản lý đối với di sản thế giới và di sản nói chung để bổ sung, chỉnh sửa nếu cần thiết.