Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vượt thời gian

ANTD.VN - Sáng 28-8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia  “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Văn kiện lịch sử mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn, nhưng cần phải nhận thấy rằng Việt Nam hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn lớn, nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc... đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân cố gắng, nỗ lực lao động, sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Thực hiện Di chúc của Người, công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo thế hệ thanh, thiếu niên luôn được Đảng quan tâm, chú trọng. Đảng chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là hạt nhân xung kích trên các mặt trận lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo để họ thực sự là đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh hiện nay, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với các hình thức ngày càng tinh vi, làm cho một bộ phận thanh niên xa rời lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lười lao động và học tập. Thậm chí, có một bộ phận bị các đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và  “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã góp phần quan trọng vào giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình cho phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những kết quả đó đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh mà Đảng đã vận dụng thành công vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Bản Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sỹ Cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Với bốn chữ  “thật” được nhắc đi nhắc lại trong Di chúc, Bác thiết tha mong muốn:  “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức, cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch và phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Rút ra bài học kinh nghiệm từ bản Di chúc

60 tham luận tại Hội thảo tập trung nghiên cứu về nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua; trên cơ sở đó, tiếp tục khẳng định giá trị của bản Di chúc và rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu đã đi sâu làm rõ những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến tại Hội thảo khẳng định, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về  “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vượt thời gian ảnh 2Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia

Tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài tham luận nêu rõ một số nội dung về thành tựu, bài học kinh nghiệm trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của lực lượng Công an nhân dân.

Theo đó, đồng chí Thứ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 192, ngày 24-5-2019 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày mất của Người; phát động đợt thi đua đặc biệt từ Bộ đến Công an cấp cơ sở nhằm tạo sự chuyến biến mạnh mẽ về nhận thức, về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh việc thực hiện các quy tắc ứng xử, đảm bảo trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ của toàn lực lượng.

Lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích của nhân dân, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; đồng thời, xử lý có hiệu quả những vấn đề cấp bách, nổi lên trên lĩnh vực an ninh, trật tự; phát hiện đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần quan trọng giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.