Dẹp “loạn” giá thuốc

ANTĐ - Chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện và ngoài thị trường; giữa các bệnh viện và giữa các địa phương là hiện trạng có thật. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn “nhường” quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính để tập trung vào quản lý chuyên ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nếu đề nghị này được chấp nhận thì sẽ phải sửa đổi Luật Dược với những cơ chế, chế tài phù hợp để quản lý giá thuốc chữa bệnh chặt chẽ hơn. Hiện tại, cả nước có tới 274 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nhưng chưa đáp ứng được 50% nhu cầu của thị trường, trong khi 60-70% nguồn dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Với 2.000 doanh nghiệp của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới có chức năng nhập khẩu và kinh doanh dược, tất nhiên thị trường dược nội địa bị phụ thuộc và có chi phí cao.

Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho rằng, giá thuốc bán lẻ trên thị trường hỗn loạn là do việc quản lý rất khó khăn. Chế tài pháp lý về quản lý kinh doanh dược không thiếu, nhưng cơ quan chức năng không đủ lực lượng để bao phủ, kiểm soát hàng nghìn cửa hàng buôn bán lẻ tân dược trên cả nước. Mặc dù quy định thuốc chữa bệnh là mặt hàng thuộc diện bình ổn, phải được niêm yết giá công khai, song số cửa hàng có bảng giá rất ít, tình trạng “loạn giá” vẫn diễn ra phổ biến. Một trong những “liều thuốc” đặc trị được Bộ Y tế sử dụng là đấu thầu giá thuốc. Sau một năm thực hiện, tới nay đã có 30 địa phương tiến hành đấu thầu mua thuốc vào các bệnh viện công. Kết quả đạt được khá ấn tượng: giá thuốc đã hạ từ 20-30% so với những năm trước, đặc biệt mỗi địa phương còn tiết kiệm được gần 30 tỷ đồng từ đấu thầu. Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, thực trạng buôn bán thuốc giả diễn biến hết sức phức tạp. Việc phát hiện, bắt giữ xử lý vi phạm của cơ quan hải quan rất hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị nghiệp vụ để phát hiện thuốc giả, kém  chất lượng. Việc xử lý hình sự rất khó khi xác minh tư cách pháp nhân của người xuất khẩu thuốc ở nước ngoài, xác định mối quan hệ, thỏa thuận ngầm với người nhập trong nước.

Mặt khác, khi thuốc đã “lọt lưới” bán ra thị trường thì hầu như bị thả nổi. Thực ra, việc kiểm soát thuốc giả, thuốc lậu không khó, nếu cơ quan thanh tra, kiểm tra thường xuyên rà soát các nhà thuốc. Bên cạnh tình trạng buôn bán thuốc giả, quá “đát” với số lượng lớn, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân, “nạn” loạn giá thuốc vẫn chưa tìm ra liều thuốc đặc trị. Bộ Y tế chỉ còn liệu pháp cuối cùng là “buông” quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính nắm với hy vọng khách quan, minh bạch và thị trường thuốc không bị làm giá cũng như lẫn lộn thật giả như hiện nay.