“Đèn vĩnh cửu” - Lợi bất cập hại
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, người dân Hà Nội đổ xô đi mua loại đèn để bàn có cái tên gọi rất ấn tượng - “đèn vĩnh cửu” (đèn cắm trực tiếp vào mạng điện thoại cố định để thắp sáng).
Điều hấp dẫn là loại đèn này có thể thắp sáng 24/24h mà người sử dụng không phải trả tiền điện, thậm chí khi mất điện đèn vẫn sáng…
Mua bao nhiêu cũng có?!
Khi tìm đến khu chợ Hòa Bình, chúng tôi hỏi: “ở đây có đèn vĩnh cửu bán không?”, một số người bán hàng cảnh giác: “Hàng cấm nên không bán nữa, muốn mua hôm khác quay lại”...
Vào một cửa hàng nằm sát khu tập thể trên phố Nguyễn Công Trứ, khi nghe hỏi về “đèn vĩnh cửu”, người bán hàng nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét rồi ngập ngừng: “Mua đèn làm gì, mua nhiều không, ai mách mà đến đây?”.
Thấy chúng tôi nói mua khoảng vài chục chiếc cho cơ quan, chị ta đổi giọng đon đả: “Các em muốn mua bao nhiêu cũng có, mấy hôm trước cháy hàng, hôm nay mới có. Trước đây bọn chị mới nhập về, giá hàng trăm nghìn đồng một cái. Sau này nhiều người dùng nên giá giảm dần, đến bây giờ là 25.000 đồng/cái. Dân văn phòng và sinh viên mua nhiều lắm…”.
Khu vực có nhiều cửa hàng bán “đèn vĩnh cửu” |
Nói rồi, người bán hàng thử ngay chiếc đèn vừa lấy cho chúng tôi xem bằng cách cắm đầu dây đèn vào mạng điện thoại ngay chỗ chị ta ngồi. Ngay lập tức, chiếc đèn phát sáng.
Được biết, loại đèn này có xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi chiếc có 12 bóng nhỏ trông giống như đèn cao áp mini nhưng thay vì có phích cắm điện thông thường như các đèn vẫn bán trên thị trường, loại đèn này sử dụng giắc cắm điện thoại cố định.
Mặc dù ánh sáng của nó không thể so sánh với bóng đèn điện thông thường nhưng cũng đủ sáng để đọc sách báo, để ở bàn làm việc và có thể thay thế đèn ngủ… Hầu như ở cửa hàng nào cũng luôn sẵn có những đầu nối điện thoại để khách hàng thử tại chỗ.
Sang một cửa hàng khác, chúng tôi hỏi người bán hàng: “Đèn này có hại gì không chị?”, chị ta đáp: “Hại thì ai mua? Dùng đèn mà không phải trả tiền điện, sướng quá còn gì”.
Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi thấy tại các cửa hàng bán đồ điện gia dụng, hầu như cửa hàng nào cũng bán đèn điện thoại khá công khai. Khách tìm đến mua đèn cũng rất đông, trong đó có cả khách ở ngoại tỉnh.
“Đèn vĩnh cửu” với giắc cắm vào đường điện thoại |
Lợi ít, hại nhiều…
Theo một chuyên viên kỹ thuật - Viện Khoa học kỹ thuật bưu điện, “đèn vĩnh cửu” có cấu tạo rất đơn giản. Nó sử dụng công nghệ LED với một dòng điện rất nhỏ chạy qua nhưng phát sáng mạnh. Mỗi đèn có 12 LED (Light Emiter Diod), tiêu thụ điện năng khoảng 3,4 Mili Ampe. Một đường dây điện thoại có thể cắm được 2 đèn cùng lúc. Khi có tín hiệu điện thoại, đèn nhấp nháy nhưng vẫn sáng.
Điều đáng nói là mặc dù nguồn điện năng tiêu thụ của mỗi “đèn vĩnh cửu” là rất ít nhưng nó có tác hại rất lớn cho tổng đài. Khi thiết kế và lắp đặt tổng đài, không có hãng viễn thông nào tính đến việc kết hợp dùng cả cho mạng điện thoại và thắp sáng.
Do vậy, khi có nhiều thuê bao cùng một lúc sử dụng nhiều “đèn vĩnh cửu” với tổng điện năng tiêu thụ quá lớn sẽ không có tổng đài nào chịu được nên việc xảy ra chập cháy là khó tránh. Nếu tổng đài bị cháy, mạng lưới điện thoại bị sập thì ngoài thiệt hại nặng nề về kinh tế, thông tin thông suốt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến thời điểm này, mặc dù biết được tính nguy hại của việc sử dụng “đèn vĩnh cửu” nhưng các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông vẫn chưa thể tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc sử dụng đèn của các chủ thuê bao do tổng đài phải bắt buộc cung cấp một nguồn điện nhất định đến thuê bao để đảm bảo tín hiệu điện thoại và tín hiệu báo có cuộc gọi.
Đấu nối “đèn vĩnh cửu” có thể bị xử phạt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khuyến cáo khách hàng không nên sử dụng loại đèn này, đồng thời nếu phát hiện khách hàng nào sử dụng đấu nối đèn, chiếu sáng vào đường dây điện thoại sẽ bị xử phạt về vi phạm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin. Cụ thể là: “Nếu có hành vi dùng các thiết bị xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc đường thuê bao viễn thông là vi phạm hành chính về BC-VT và tần số vô tuyến điện tại điểm d, khoản 2 điều 13 Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 8-7-2004 của Chính phủ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng” (Theo Công văn số 5055/CV-BVBĐ của VNPT). Nhưng theo một nhân viên công tác lâu năm trong ngành bưu điện, việc tiến hành phạt đối với người vi phạm là không đơn giản mặc dù dễ xác định được thuê bao nào đang sử dụng đèn nhưng cán bộ bưu điện không thể xâm nhập được vào nhà chủ thuê bao để bắt quả tang và lập biên bản. Để bảo vệ mạng điện thoại, biện pháp hữu hiệu nhất là cơ quan Quản lý thị trường cần sớm đưa “đèn vĩnh cửu” vào danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Có như vậy mới ngăn chặn được sự xâm nhập của loại đèn này vào thị trường trong nước. Điều đáng nói là khi “đèn vĩnh cửu” đã và đang được bày bán tràn lan tại thị trường Hà Nội thì khi chúng tôi trao đổi với một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, người cán bộ này vẫn chưa biết gì về “đèn vĩnh cửu”?! Chính sự thiếu hiểu biết của người dân cộng với sự buông lỏng quản lý thị trường và công tác phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng là nguyên nhân khiến “đèn vĩnh cửu” xâm nhập thị trường ngày càng rộng rãi, đe dọa sự an toàn của mạng lưới viễn thông. Trước mắt, VNPT cần sớm chỉ đạo Bưu điện các tỉnh thành kiểm tra việc sử dụng “đèn vĩnh cửu” tại các địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm... |
Bảo Linh