Đem việc về nông thôn

(ANTĐ) - Nước ta đang triển khai chính sách đưa hàng hóa về nông thôn là nơi sinh sống của gần 70% dân số, không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa đầy tiềm năng mà còn là nguồn cung cấp lao động, nhân công giá rẻ và dồi dào. Làn sóng đô thị hóa, công nghiệp đang đẩy nông dân dạt ra thành phố, đô thị kiếm sống. Có cách nào giữ chân người nông dân ở lại làng quê mà vẫn có việc làm, có thu nhập khấm khá để có đồng tiền mua sắm hàng hóa?

Đem việc về nông thôn

(ANTĐ) - Nước ta đang triển khai chính sách đưa hàng hóa về nông thôn là nơi sinh sống của gần 70% dân số, không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa đầy tiềm năng mà còn là nguồn cung cấp lao động, nhân công giá rẻ và dồi dào. Làn sóng đô thị hóa, công nghiệp đang đẩy nông dân dạt ra thành phố, đô thị kiếm sống. Có cách nào giữ chân người nông dân ở lại làng quê mà vẫn có việc làm, có thu nhập khấm khá để có đồng tiền mua sắm hàng hóa?

Lâu nay, một số nhà kinh tế học cho rằng, muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và cung cấp việc làm cho lực lượng lao động nông thôn quanh năm thì cần phải đẩy mạnh đô thị hóa. Thế nhưng mấy năm gần đây ở Ấn Độ, đang có xu thế các công ty, doanh nghiệp lớn làm ngược lại. Họ cho rằng đúng ra phải đem việc làm về nông thôn, nơi có nguồn nhân lực gần như vô tận. Cũng tương tự như Việt Nam, gần 70% dân số Ấn Độ sinh sống ở nông thôn.

Vùng nông thôn từng được xem là gánh nặng của nền kinh tế, là thành trì của tình trạng chậm tiến và nghèo khổ. Hàng bao đời nay họ quần quật kiếm sống trên những cánh đồng khô hạn, hoặc ngập lụt, gánh chịu vô vàn thiên tai, dịch bệnh. Chiếm 70% trong số dân 1,1 tỷ người, nông dân Ấn Độ hầu như chưa được hưởng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin gắn với thung lũng Bangalore nổi tiếng thế giới.

Kinh tế thay đổi, tăng trưởng ngoạn mục và cả công cuộc công nghiệp cũng khó đủ “thắp sáng” hàng trăm triệu gương mặt nông dân u ám. Chính các công ty, doanh nghiệp Ấn Độ, chứ không phải là chờ Nhà nước, đã nhìn ra ở nông thôn một thị trường hấp dẫn, đầy hứa hẹn. Họ đưa về nông thôn từ chiếc bếp nấu, điện thoại di động công nghệ thấp, giá rẻ cho đến chiếc xe máy ít tiền.

Hơn thế các công ty còn tiến thêm một bước: đem việc làm về nông thôn. Các doanh nghiệp Ấn Độ thể hiện lòng yêu nước cụ thể bằng việc tạo việc làm ngay tại nông thôn. Có những công ty tuyển dụng hàng trăm thanh niên, phần lớn đã học xong phổ thông, một số có bằng cao đẳng, tất cả đều đến từ những làng quê, gần các thị trấn. Lực lượng này làm việc ở các trung tâm gia công.

Đó không phải là những xưởng gia công làm các sản phẩm thủ công kiểu như mây tre đan ở các làng nghề như Việt Nam. Đây là những nhân viên văn phòng có đủ kỹ năng, ngôn ngữ để nhập dữ liệu vào văn bản, đọc các biểu mẫu hoặc viết các thư điện tử đơn giản. Nhờ đặt địa điểm ở nông thôn và lương nhân viên thấp hơn ở thành phố, các trung tâm này có thể thực hiện công việc giống như nhiều công ty gia công khác mà chi phí chỉ bằng một nửa.

Ở các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, thanh niên có học, làm việc ở các trung tâm gia công này, trung bình một tháng thu nhập 60-70USD thì quả là quá hậu hĩ. Thật khó tưởng tượng, hàng trăm trung tâm như thế mọc lên ở vùng nông thôn Ấn Độ thu hút hàng triệu lao động ở nông thôn, đặc biệt là lực lượng thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông. So với số dân hơn 1 tỷ người, họ chỉ là giọt nước trong biển cả, nhưng lại tượng trưng cho sự “bùng nổ” giải phóng sức lao động, thất nghiệp ở nông thôn Ấn Độ.

Quan trọng hơn nó góp phần đáng kể thay đổi sâu sắc đời sống vật chất, văn hóa và dân trí nông thôn. Phần lớn lực lượng lao động ở các trung tâm gia công của các công ty đặt đại bản doanh ở nông thôn là con em của nông dân và thường là thế hệ đầu tiên học hết trung học. Họ có thể trả lời thư điện tử của khách hàng của một công ty thẻ; xử lý các yêu cầu cho một công ty bảo hiểm hoặc xử lý dữ liệu…

Còn rất nhiều hình thức, cách làm của các công ty, doanh nghiệp Ấn Độ đưa việc làm về nông thôn mà giới doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập và áp dụng. Vấn đề muôn thuở vẫn là phải có tâm và có tầm. Đưa hàng về nông thôn không thiết thực và hữu ích bằng đem việc làm về cho nông dân.

Đan Thanh