Đề xuất xóa nhà siêu mỏng: Lạc hậu, khó khả thi

(ANTĐ) - Để khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo làm xấu bộ mặt đô thị, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một số đề xuất, hướng xử lý tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, những đề xuất này bị một số ý kiến đánh giá là lạc hậu và khó khả thi, nhất là khi áp dụng cho những đô thị đặc biệt như Hà Nội.

Đề xuất xóa nhà siêu mỏng: Lạc hậu, khó khả thi

(ANTĐ) - Để khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo làm xấu bộ mặt đô thị, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một số đề xuất, hướng xử lý tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, những đề xuất này bị một số ý kiến đánh giá là lạc hậu và khó khả thi, nhất là khi áp dụng cho những đô thị đặc biệt như Hà Nội.

Siêu mỏng: 15 hay 25?

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sẽ không cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng diện tích cho các công trình xây dựng trên những thửa đất có diện tích đất nhỏ hơn 15m2. Đây từ lâu đã là giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo song hạn định 15m2 hoàn toàn không phải con số mới mẻ. Các quy định của Chính phủ, của thành phố Hà Nội đã áp dụng con số 15m2 từ nhiều năm nay.

Nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn
Nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn

Không chỉ bị nghi ngờ là lạc hậu, một số ý kiến còn cho rằng, con số 15m2 lại mâu thuẫn với chính quy chuẩn quy hoạch do Bộ Xây dựng vừa ban hành đầu năm 2008. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành ngày 3-4-2008, phần quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị, quy định về sử dụng đất có nêu: “Đối với nhà ở liên kế hiện có cải tạo, trường hợp lô đất là bộ phận cấu thành của cả dãy phố, diện tích đất tối thiểu của lô đất xây dựng nhà liên kế là 25m2/căn nhà với chiều sâu lô đất và bề rộng lô đất không nhỏ hơn 2,5m.” Như vậy, con số 15m2 mà dự thảo luật đề ra rõ ràng đã “bớt” đi 10m2 theo quy chuẩn này. Theo các chuyên gia, với đặc thù của Hà Nội, quy định 25m2 như Quy chuẩn mới là hợp lý nhằm đảm bảo được mỹ quan đô thị trên các tuyến phố sau khi cải tạo, chỉnh trang.

Nhà nước có thể mua lại đất siêu mỏng?

Theo tổng hợp sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 39 lô đất không đủ điều kiện xây dựng, nhiều nhất là quận Tây Hồ có 33 lô, Thanh Xuân 4 lô, Ba Đình và Hai Bà Trưng mỗi quận 1 lô. Về công trình, hiện có 252 công trình không phù hợp quy định kiến trúc, cảnh quan. Trong đó, nhà cấp 4 sau GPMB là 181 công trình; nhà 1-2 tầng: 49 công trình; nhà 3-4 tầng 21 công trình và nhà 5-6 tầng: 1 công trình.

Thêm một điểm gây nhiều tranh cãi về hướng xử lý đất mỏng, hẹp khi Bộ Xây dựng đề xuất: “Đối với các thửa đất và công trình xây dựng trên thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, Nhà nước không bồi thường bằng quỹ đất hoặc công trình mà chỉ bồi thường bằng tiền”. Trước đề xuất này, một số ý kiến lo lắng cho quyền lợi của những người dân có quyền sử dụng những mảnh đất nhỏ ở đô thị vốn đa phần là dân nghèo.

Trường hợp những người này chỉ được bồi thường bằng tiền sẽ gặp khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở mới. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết, vấn đề này đã được tính toán đến nhưng vẫn cần ưu tiên mục tiêu “đô thị phải được chỉnh trang với không gian và kiến trúc đẹp hơn”. Ông Trần Ngọc Chính cho biết, trong một số trường hợp, rất có thể phải xây dựng cơ chế Nhà nước mua lại những mảnh đất như vậy phục vụ mục đích công cộng.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Vương Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, thu hồi thửa đất dưới 15m2 không đền bù bằng đất hoặc căn hộ là hợp lý bởi dù có bồi thường thì thửa đất nhỏ hơn 15m2 cũng không được phép xây dựng. Đương nhiên, với những trường hợp có khó khăn thật sự về nhà ở thì vẫn có thể có cơ chế tái định cư hợp lý. Việc này cần sự phối hợp giữa Nhà nước, chủ đầu tư là người dân. “Trong một số trường hợp, Nhà nước có thể mua lại đất siêu mỏng để làm khu vực công cộng, vườn hoa, chỗ chờ xe buýt...” - ông Vương Anh Dũng nói.

Vẫn khuyến khích tự hợp khối

Cũng theo quan điểm của Bộ Xây dựng, Nhà nước chỉ khuyến khích việc sáp nhập các thửa đất có diện tích nhỏ trong đô thị vào các thửa liền kề dưới mọi hình thức được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, thực tế đang triển khai tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ hợp khối thành công chỉ ở mức 30-40%. Dù chính quyền, chủ đầu tư và nhà hàng xóm có thuyết phục “gẫy lưỡi”, nhiều chủ sử dụng đất siêu mỏng, siêu méo vẫn kiên quyết “ôm” đất hoặc đưa ra giá trên trời (hàng tỷ đồng cho 5-7m2 đất) để thách đố đối tác.

Trả lời câu hỏi, có nên đặt ra chế tài mạnh mẽ hơn trong trường hợp chủ sử dụng đất mỏng, hẹp cố tình không chịu hợp khối, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, nếu muốn áp đặt ngay là rất khó. “Nói phố này phải sơn màu vàng nhưng có ông bảo tử vi của tôi kỵ màu vàng thì ép thế nào được người ta. Có nhiều việc chưa thể áp đặt, chỉ đưa ra khuôn khổ, khuyến khích rồi tuyên truyền cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ với lợi ích chung. Thực tế cũng có nhiều quy định đặt ra rồi cuối cùng không làm được” - ông này lấp lửng.

Chính Trung