Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc từ 8h30

ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, giờ làm việc như hiện nay chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

 

Bộ LĐ-TB&XH muốn quy định thống nhất thời gian làm việc trên cả nước

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được công bố, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Đề xuất này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ở Việt Nam, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang xảy ra một số tồn tại. Trước hết là không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông.

Giờ làm việc như hiện nay cũng chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Không đồng tình với đề xuất thống nhất giờ làm việc, chị Nguyễn Ngọc Chi làm việc tại một cơ quan hành chính có trụ sở tại quận Ba Đình cho hay: "Nếu quy định làm từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 1 giờ sẽ rất khó khăn cho người lao động. Chẳng hạn ở Hà Nội, mùa hè trời rất nóng, nếu quy định 8 giờ 30 mới bắt đầu làm việc thì rất khó. Về quy định nghỉ trưa 1 giờ, đa số cán bộ công chức đi làm cách nhà khoảng 5-7 km, nếu chỉ có 1 giờ nghỉ trưa người lao động không đủ thời gian nghỉ ngơi. Nếu không được nghỉ ngơi đủ thì năng suất lao động cũng không cao. 

Bàn về xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, chưa phù hợp với thực tế chung của từng địa phương, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh việc bảo đảm sự liên kết, kết nối từ trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính Nhà nước cũng phải bảo đảm sự hài hòa, hợp lý khi phục vụ người dân. Tại các tỉnh dân cư thưa, không có tình trạng tắc đường, có thể đẩy giờ làm việc chính lên sớm hơn để phù hợp với sinh hoạt của người dân.

Theo ông Lê Đình Quảng, thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nên giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).