Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 60

(ANTĐ) - Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi hội thảo về Các phương án khuyến nghị cải cách tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Cơ quan này hiện đang đề xuất  nâng độ tuổi này lên ngang mức tuổi của nam giới là 60.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 60

(ANTĐ) - Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi hội thảo về Các phương án khuyến nghị cải cách tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Cơ quan này hiện đang đề xuất  nâng độ tuổi này lên ngang mức tuổi của nam giới là 60.

“Qua nghiên cứu về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở Việt Nam trong hai năm 2007-2008 chúng tôi thấy, xét trên phương diện bình đẳng giới và sự bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, việc quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn 5 năm so với nam giới của Việt Nam đang làm nảy sinh nhiều bất hợp lý” - bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện KHLĐ-XH nói.

Xét trên góc độ bình đẳng giới, phụ nữ và nam giới phải có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau. Nếu đến 55 tuổi, lao động nữ buộc phải về hưu với bất kỳ điều kiện nào thì đó là hưu trí bắt buộc; chứ không phải ưu đãi cho phụ nữ như mục tiêu đề ra.

55% phụ nữ độ tuổi 55-59 có nhu cầu tiếp tục được làm việc.
55% phụ nữ độ tuổi 55-59 có nhu cầu tiếp tục được làm việc.

Do tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam giới 5 năm, nên khi xem xét đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đề bạt cán bộ, phụ nữ cũng thường bị bỏ qua cơ hội này sớm hơn 5 năm. Mặt khác, khi phụ nữ đủ 55 tuổi, họ buộc phải thôi công việc hiện tại để nghỉ hưu. Đối với những người vẫn có nhu cầu làm việc tiếp, họ buộc phải đi tìm công việc khác với nhiều bất lợi do tuổi tác.

Cũng theo bà Hương, nhóm thiệt thòi nhất là lao động nữ làm việc trong khu vực hành chính, quản lý Nhà nước, nghiên cứu khoa học… ở các nghề này, số năm công tác và kinh nghiệm làm việc lại làm tăng năng suất và hiệu quả công việc. Nghiên cứu cũng cho thấy, có đến 55% phụ nữ trong nhóm tuổi 55-59 tiếp tục làm việc. Ngoài ra, mức lương bình quân/tháng  của phụ nữ tại độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn nhiều so với mức lương của nam giới. Trong điều kiện tiền lương hưu vẫn là thu nhập chính, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ hưu trí. Vì vậy, Viện kiến nghị nâng độ tuổi nghỉ hưu của nữ lên ngang bằng mức 60 của nam giới.

Vấn đề nữa lâu nay nhiều ý kiến cho rằng, nếu cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và khả năng mất việc làm của giới trẻ. Ông Nguyễn Anh Minh - Trưởng ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) khẳng định điều này không đúng. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh, số việc làm mới tạo ra lớn hơn nhiều so với chỗ việc làm trống từ người nghỉ hưu. Xét ở góc độ bền vững của Quỹ BHXH, nếu tuổi nghỉ hưu của lao động nữ bằng nam giới, việc chi trả lương hưu sẽ giảm được 4.500 tỷ đồng/năm. Đến năm 2020, khi lượng người nghỉ hưu tăng nhanh, mức chênh lệch nói trên sẽ lên tới 14.500 tỷ đồng/năm.

Xung quanh vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Thanh Trà cho biết, nếu như năm 2000 có 34 người đóng BHXH cho 1 người hưởng thì đến 2004, số này chỉ còn 19. Trong tương lai không xa sẽ chỉ còn là 3/1. Trong khi đó, tiền đóng BHXH 30 năm chỉ đủ trả lương cho 8 năm về hưu, mà thời gian hưởng lương hưu trung bình hiện nay là 16 năm.

Do vậy, nếu không tính toán lại, nguy cơ vỡ quỹ là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, việc nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thêm 5 năm sẽ góp phần tăng thời gian đóng BHXH, giảm bớt số năm hưởng lương hưu của lao động nữ, góp phần làm giảm nguy cơ vỡ quỹ. Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu không áp dụng với những người làm ở ngành nghề độc hại mà vẫn giữ ở 50 tuổi như hiện nay.

Huệ Chi