Đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người có nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao có nguyên nhân do mức hỗ trợ học nghề mới chỉ đáp ứng được chi phí học các nghề đơn giản.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động thất nghiệp

Theo khảo sát của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), phần lớn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, trình độ văn hóa còn hạn chế, tuổi cao, khó khăn về kinh tế nên rất ngại đi học.

Bên cạnh đó, tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người có nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao (năm 2015: 3,8%; năm 2016: 4,8%, năm 2017: 5,1%) do mức hỗ trợ học nghề tuy đã đáp ứng được chi phí học các nghề đơn giản nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi phí học một số nghề như: kỹ thuật trang điểm, lái xe hạng B2, lái xe hạng C.

Muốn thu hút người lao động thất nghiệp học nghề, giúp họ nâng cao trình độ, sớm quay trở lại thị trường lao động cần có chính sách thiết thực, hiệu quả hơn. 

Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo quyết định điều chỉnh mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, mức hỗ trợ học nghề được đề xuất như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ học nghề tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa; trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ tiền đi lại đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng là 300.000 đồng/người/tháng; trên 3 tháng là 100.000 đồng/người/tháng. Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học phí học nghề do người lao động tự chi trả.