Đề xuất mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm lên 400 giờ/năm

ANTD.VN - Sửa đổi Bộ luật Lao động hướng đến việc giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm.

Tại Hội nghị người sử dụng lao động 2017 -  Đối thoại với doanh nghiệp về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, phát triển lao động, tạo ra nhiều việc làm là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là “cỗ máy” tạo ra việc làm.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 120 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Trung bình, 1 doanh nghiệp giải quyết 10 việc làm thì 1 năm những doanh nghiệp này giải quyết được 1,2 triệu lao động và chưa kể lao động huy động thêm từ những doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.

Theo số liệu khảo sát từ VCCI, có gần 70% các doanh nghiệp ở Việt Nam có ý định mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới thì mục tiêu 1,8 triệu lao động hàng năm hoàn toàn khả thi. Để tạo nhiều việc làm cho người lao động, doanh nghiệp cần môi trường tốt để vận hành hiệu quả.

Tăng thời giờ làm thêm lên không quá 400 giờ/năm

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), Bộ luật Lao động 2012 được đánh giá tiến bộ so với các nước trong khu vực nhưng sau những năm thực hiện qua thực tiễn doanh nghiệp gặp vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển thị trường lao động về: Hợp đồng lao động, tiền lương trong đó có tiền lương tối thiểu, làm thêm, việc làm cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thương lượng tập thể, đình công, bảo hiểm xã hôi… nhiều vướng mắc cần được giải quyết thể hiện yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Đồng thời, việc sửa đổi để bảo vệ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động bằng việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong nội dung của Bộ luật Lao động sửa đổi.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định cho phép doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nghỉ quá 5 ngày không có lý do thay vì kỷ luật sa thải; bổ sung ngành dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động động. Về làm thêm giờ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị tăng giờ làm thêm lên không quá 4 giờ/ngày và không quá 400 giờ/năm,…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế  (Bộ LĐ-TB&XH) Mai Đức Thiện cho biết, theo lộ trình từ tháng 3 đến tháng 5-2019, cơ quan chủ trì sẽ trình cơ quan thẩm tra, Quốc hội về Bộ luật Lao động sửa đổi.

Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ điều chỉnh tất cả các điều khoản vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành, cũng như các vấn đề mới phát sinh từ thực tế mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp 2013 về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao vai trò vị thế của công đoàn trong quan hệ lao động; đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, quan điểm sửa đổi Bộ luật lao động là giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động, quan trọng là nâng cao năng suất lao động chất lượng việc làm.

Bộ luật Lao động sửa đổi đảm bảo phát triển cung cầu thị trường lao động đồng thời quan tâm phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc nhiều vào thâm niên mà dựa trên năng suất, kỹ năng lao động.