Đề xuất lấp hồ Thành Công là không thể chấp nhận được

ANTD.VN - Liên quan tới việc đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, các chuyên gia kiến trúc, đô thị khẳng định đây là điều không thể chấp nhận được.

Đề xuất lấp hồ Thành Công là không thể chấp nhận được ảnh 1

Các chuyên gia khằng định đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây nhà tái định cư là không thể chấp nhận được

Doanh nghiệp không hiểu biết gì về pháp luật

Đánh giá về đề xuất này, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Đề xuất này thể hiện doanh nghiệp không hiểu biết gì về pháp luật, về đất đai. Hồ Thành Công là tài sản công và không thể tư nhân hóa được, do đó tìm giải pháp bí bách như thế chỉ gây bức xúc cho xã hội. Cần yêu cầu doanh nghiệp đừng bao giờ nghĩ tới phương án đó nữa”.

Trong khi đó, TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Khi Nhà nước, Quốc hội đã khẳng định cải tạo chung cư cũ phải tuân theo quy hoạch; yêu cầu của thành phố phải gia tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì đề xuất lấp hồ đi chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư là điều khó có thể chấp nhận được”.

TS. Đào Ngọc Nghiêm phân tích, trước hết, phải khẳng định cải tạo các khu chung cư cũ là vấn đề mà Hà Nội đã triển khai rất lâu nhưng mắc ở việc tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tìm ra một giải pháp thích hợp là điều cần thiết.

“Định hướng trong việc cải tạo các khu chung cư này đã được xác lập rất rõ trong các nghị định, trong các chương trình phát triển của thành phố, trong quản lý phát triển nhà chung cư, cũng như trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến 2030. Đặc biệt, trong Luật Thủ đô đã khẳng định, cải tạo các chung cư cũ phải tuân thủ theo quy hoạch chung, đây là điều mà người dân cả nước trông mong vào Hà Nội. Như vậy, quan trọng là phải tuân thủ quy hoạch chung”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, vấn đề tiếp theo đặt ra là không gian xanh, mặt nước Hà Nội hiện nay đang ở mức rất thấp. Trong nội đô có 121 hồ nước, trước đây, một số hồ đã bị lấp do thiếu quản lý, do đó, trong định hướng là phải phát triển thêm diện tích mặt nước. Điều này được thể hiện ở chỗ là 20 công viên mới mà thành phố đang đặt ra, trong đó có 4 công viên cấp quốc tế đều mở ra rất nhiều các diện tích mặt nước.

Nếu để hài hòa đầu tư, đảm bảo không tăng dân số, không gây áp lực cho thành phố Hà Nội thì phải tìm lợi ích chung ở các dự án khác mà thành phố sẽ phải cân đối. Đây chỉ là đề xuất giải pháp, vì vậy doanh nghiệp nên tìm giải pháp khác, cân đối ở những khu vực mà Hà Nội đang mong muốn phát triển.

Doanh nghiệp chỉ tính phần lợi cho mình nhanh hơn là không được

TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Trong khi cây xanh, mặt nước đang được người dân hết sức quan tâm, nhiều nơi, nhiều chỗ, người dân quyết tâm biến bãi rác thành khu cây xanh, thì doanh nghiệp chủ động đề xuất giảm diện tích không gian xanh đi là không ổn. Thêm một lỗi nữa là tăng dân số trong nội đô lên là không đúng so với chủ trương”.

“Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bù lại 1ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì chắc chắn cũng chưa tính tới sự biến đổi về sinh thái, về mô hình sử dụng đất. Đền bù 1ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, vì hồ nước còn liên quan tới vấn đề thoát nước mặt, liên quan tới địa chất, thủy văn. Đặc biệt với những hồ ở nội đô đã ổn định thì luôn gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của cả khu vực. Những điều này doanh nghiệp đã tính hết chưa?”, vị chuyên gia này đặt vấn đề.

Qua đó, vị Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội khẳng định: “Đừng lấp chỗ này, khoét chỗ kia, giải pháp ấy chưa tính tới tổng thể quy hoạch. Cách làm này cũng không tuân theo quy hoạch chung, vì doanh nghiệp mới đưa ra phương án cân bằng diện tích mặt nước nhưng không tính tới mối liên kết với hạ tầng khung xung quanh ra sao. Doanh nghiệp mới tính phần lợi cho mình nhanh hơn, như vậy là không được”. 

Từ phía người dân, anh Trần Nguyên Minh một cư dân sống gần hồ Thành Công bức xúc: "Một hồ nước đẹp, được quy hoạch, bao kè tốn bao công sức và đang phát huy tác dụng là lá phổi xanh đối với người dân trong khu vực, không hiểu doanh nghiệp nghĩ gì lại đưa ra đề xuất như vậy. Họ nói không thể lấy đất chợ, lấy đất trường học để làm nhà tái định cư nhưng lại dễ dàng đề xuất lấy đất công viên. Họ nói đền bù nhưng lời hứa từ phía doanh nghiệp chưa thực sự tạo được niềm tin cho chúng tôi".