Đề xuất cơ chế linh hoạt cho bảo tồn và phát huy làng cổ Đường Lâm

ANTĐ - Sáng qua, 21-5, tại thị xã Sơn Tây, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dự và chủ trì cuộc họp.

Cùng tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cùng các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lãnh đạo các Sở  VH-TT&DL, Sở Tài Chính, Sở QH-KT, Sở TN-MT và đại diện các hộ dân của làng cổ… 

Đồng chí Bí thư Thành ủy thăm hỏi một số hộ dân trong làng cổ

Xác định lại phương pháp bảo tồn

Trước khi cuộc họp bắt đầu, đồng chí Bí thư Thành ủy đã có cuộc kiểm tra thực trạng di sản làng cổ Đường Lâm, các di tích tiêu biểu như đình Mông Phụ, đình Cam Lâm - ngôi đình hiện đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ gấp. Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Quang Nghị cũng ghé thăm một số nhà dân như gia đình ông Thể Tiến, ông Nguyễn Văn Hùng… hỏi thăm về điều kiện ăn ở, sự khó khăn trong việc bảo tồn những di tích có cả trăm năm tuổi, đồng thời Bí thư Thành ủy cũng lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đại diện các hộ dân trong làng. 

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự cuộc họp, đây là lần đầu tiên sau 8 năm được phong tặng di sản, mọi vấn đề tồn tại của làng cổ Đường Lâm, được đưa ra bàn thảo rộng rãi, được soi chiếu dưới mọi góc cạnh, từ những khó khăn bức bối của người dân khi phải sống trong lòng di sản, đến cái khó của chính quyền địa phương cũng như các nhà quản lý trong khi vừa phải thực hiện đúng luật mà vẫn phải linh hoạt, uyển chuyển hài hòa cho phù hợp với hoàn cảnh. Cái khó nữa là mô hình quản lý một di tích sống với 1.500 hộ dân thế nào, trong khi chưa từng có tiền lệ, lại cũng không thể bê nguyên quy chế, cũng như mô hình của Hội An mà “áp”, bởi Hội An là phố thị, trong khi đây lại là làng quê đồng bằng Bắc bộ thuần nông.

Đại diện cho các hộ dân làng Đường Lâm, chị Giang Tú Oanh, người thôn Mông Phụ đã nêu nỗi khổ của người dân phải ở trong làng cổ, nhà cổ và…cái gì cũng cổ. Thay mặt người dân, chị Oanh cũng đưa ra nhiều câu hỏi, chờ sự giải đáp của các nhà quản lý, như 90% các hộ gia đình trong làng Đường Lâm đều làm ruộng, tiền ăn đôi khi không đủ, nên việc mở rộng diện tích ở theo đúng chuẩn là tường đá ong, cột gỗ, mái ngói ta… rất khó, các vật liệu kiến trúc này hiện rất đắt đỏ. Chị Oanh cũng cho rằng nên “gỡ bí” cho người dân, bởi hiện tại để xây nhà thủ tục quá rườm rà, rắc rối…

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam giải thích, khó khăn mà Đường Lâm đang gặp phải cũng là khó khăn chung của những ngôi làng cổ đã từng được xếp hạng trên thế giới. Trước đó, Hội An cùng từng có thời điểm rất bi quan, nhưng rồi họ cũng tìm ra được hướng đi đúng nhất. Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, điều cần nhất bây giờ là phải xác định giữ cho bằng được cảnh quan sinh thái, nếu không, chẳng ai còn đến với Đường Lâm nữa. Hơn nữa, xây dựng  Quy hoạch tổng thể Đường Lâm đến nơi đến chốn. Bởi, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Cơ chế linh hoạt, tính toán cẩn trọng

Phát biểu báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã đầu tư 1.200 tỷ đồng để tu bổ tôn tạo 290 di tích (chưa kể vốn xã hội hóa), vẫn còn 580 di tích trong diện cấp bách cần phải đầu tư bảo tồn trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết thêm, năm 2011, Thành phố đã có chỉ đạo lập quy hoạch giãn dân tại Đường Lâm, chính vì việc giải quyết chậm, chưa triệt để quy hoạch nên đã nảy sinh những việc không đáng có. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm trong quá trình thực hiện quy hoạch phải lấy ý kiến đóng góp từ phía người dân, thực hiện quy chế dân chủ. Có chế tài, rõ ràng, công khai minh bạch trong việc hộ nào có nhu cầu thêm đất ở, hộ nào không. Bên cạnh đó, mô hình BQL Làng cổ Đường Lâm cũng sẽ được xem xét lại. Hiện, Hà Nội có rất nhiều BQL di tích những mỗi nơi lại có một mô hình khác nhau.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý từ phía UBND xã, BQL Làng cổ, các Sở QH-KT, Sở VH-TT&DL, Sở TN-MT…, đồng chí Phạm Quang Nghị kết luận cuộc họp và đưa ra một số yêu cầu. Khẳng định, Đường Lâm là “viên ngọc quý”, Bí thư Thành ủy đánh giá cao những cố gắng ban đầu của các ngành các cấp trong việc tuyên truyền quảng bá giá trị di tích, xây dựng các tour, tuyến tham quan.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các ngành các cấp là khẩn trương nghiên cứu tìm ra giải pháp khả thi nhất cho Đường Lâm, đây là việc khó và lớn, vì thế phải thẳng thắn vạch ra việc gì đã làm được và làm tốt, việc gì chưa làm được và còn lúng túng. Cần áp dụng những cơ chế linh hoạt cho người dân, trên cơ sở cố gắng giữ tối đa các yếu tố gốc trong kiến trúc làng cổ. Xây dựng Quy hoạch tổng thể cho làng cổ không khó, cái khó chính là khi đi vào chi tiết. Việc bố trí đất giãn dân cũng phải tính toán sao cho cẩn trọng, giãn dân có thu hẹp đất canh tác hay không? Trong làng hộ nào được chia đất giãn dân, hộ nào không? Theo kế hoạch, mỗi hộ dân sẽ được 180m2 ở khu giãn dân, Đường Lâm có 1.500 hộ, nếu nhân lên đây sẽ là một số lượng đất không nhỏ. Xây dựng cơ chế đặc thù, phù hợp điều kiện thực tiễn, “việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích phải dựa vào dân và vì dân, đừng bắt dân phải chịu đựng những khó khăn không đáng có. Người dân mới là chủ thực sự của di sản này”- Bí thư Thành ủy khẳng định.

Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu, trong thời gian tới tiếp tục lắng nghe và có đối thoại với người dân, cả người đồng tình và không đồng tình. Rà soát lại điều lệ và quy chế hoạt động của di sản, cái gì chặt quá thì phải sửa lại, đồng thời mong người dân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền các cấp trong việc giữ gìn di sản quý.

Quyền lợi của người dân cần được tôn trọng

Phản ứng của một số người dân ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) phản ánh sự không bằng lòng của họ với công tác quản lý của các cơ quan hữu quan ở đó, nhưng không phải muốn trả lại là trả được. Danh hiệu đâu phải trao cho từng cá nhân mà cho địa phương, vùng đất đó. Dù vậy, chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, xem xét sự việc dưới nhiều góc độ, để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tôi cho rằng quyền lợi của người dân cần được tôn trọng. Chúng ta cần bảo tồn di sản văn hóa nhưng đó cũng là vì cuộc sống của người dân. Điều gì chưa tốt thì rõ ràng cần xem xét để có được chính sách, giải pháp phù hợp nhất để quản lý tốt hơn và vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân. Nói cách khác, phải hài hòa được giữa bảo tồn di sản văn hóa với phục vụ yêu cầu phát triển, giữa quản lý với quyền lợi của nhân dân.
Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội