Đề xuất cấp hạn ngạch khai thác thủy sản, không cho đánh bắt vô tội vạ

ANTD.VN - Thảo luật tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) ngày 21-3, nhiều ý kiến cho rằng nguồn cá ở biển nước ta đang cạn kiệt do cách khai thác vô tội vạ.
Thảo luật tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) ngày 21-3, nhiều ý kiến cho rằng nguồn cá ở biển nước ta đang cạn kiệt do cách khai thác… vô tội vạ.

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh phát biểu thảo luận tại phiên họp

Theo báo cáo thuyết trình về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủy sản của Chính phủ trình bày tại phiên họp, nguồn lợi thuỷ sản nước ta đang suy giảm, môi trường sống của các loài thuỷ sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững.

Cũng vì thế, một trong những nội dung mới đáng lưu ý trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là đề xuất thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Việc này vừa phù hợp với phương thức quản lý của các quốc gia trên thế giới vừa giúp kiểm soát được nguồn lợi thủy sản chặt chẽ hơn.

Góp ý vào quy định này, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm 30 năm đi biển của mình, ông nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản của nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. “Trong đó, dễ nhận thấy hơn cả là tình trạng đánh bắt tận diệt, chích điện, đánh thuốc nổ làm chết vài chục tấn cá nhưng có khi chỉ thu được vài tấn” – Thượng tướng Phạm Ngọc Minh chia sẻ.

Từ nguyên nhân đó, theo ông Phạm Ngọc Minh, để khắc phục thì cần có những quy định cụ thể về đánh bắt thủy sản, chẳng hạn cần quy định rõ thời điểm nào thì cấm đánh bắt thủy sản - nhất là mùa cá sinh sản, thậm chí cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu ý kiến, tại Trung Quốc, vào mùa thuỷ sản sinh sản người ta cấm tổ chức đánh bắt. Ở một số nước khác có quy định cá lớn bao nhiêu thì mới được đánh bắt chứ không cho phép thích khai thác thế nào cũng được. “Vậy thì Việt Nam có đưa các quy định này vào luật khi sửa đổi lần này hay không?” – ông Võ Trọng Việt đặt câu hỏi.

Tương tự, cơ quan thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) là Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng tán thành với việc đưa vào Luật này quy định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý, bền vững.