Đề xuất bổ sung 3 chuyên gia độc lập vào Hội đồng tiền lương quốc gia

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, Hội đồng tiền lương Quốc gia có 15 thành viên, bao gồm: đại diện Bộ LĐ-TB&XH (5 thành viên), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (5 thành viên), tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (5 thành viên).

Sau 8 năm thành lập và hoạt động, đến nay Hội đồng đã 8 lần khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng; Chính phủ cơ bản đều thống nhất với phương án Hội đồng đã khuyến nghị (áp dụng cho năm 2014 tăng bình quân 15,2%, năm 2015 tăng bình quân 14,2%; năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%; năm 2020 tăng bình quân 5,5%).

Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng hàng năm. 

Sau 8 năm hoạt động, cho thấy việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (Thông qua Hội đồng, cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực, từ chỗ do Nhà nước xác định, công bố (Bộ luật Lao động năm 1994) sang cơ chế xác lập dựa trên kết quả thương lượng, thỏa thuận cấp quốc gia của đối tác 3 bên trong quan hệ lao động theo nguyên tắc thị trường và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Hằng năm, Hội đồng đã đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ quy định mức lương tối thiểu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần cải thiện đời sống người lao động, không gây tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đang có những hạn chế. Cụ thể, cơ cấu thành viên hiện nay mới chỉ có thành viên đại diện cho tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và nhà nước, chưa có sự tham gia của các chuyên gia độc lập.

Chức năng của Hội đồng mới tập trung khuyến nghị về lương tối thiểu vùng, chưa thể hiện đầy đủ theo tên gọi và mục đích hình thành Hội đồng tiền lương quốc gia. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng cũng hạn chế (không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của Bộ LĐ-TB&XH nên chưa thể hiện rõ tính đại diện cho 3 bên trong quan hệ lao động; kinh phí ngân sách bố trí hàng năm ít), chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng thực hiện nhiệm vụ.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung tối đa 3 thành viên là chuyên gia độc lập.

Các chuyên gia độc lập này là các nhà khoa học có uy tín, đang công tác nghiên cứu, giảng dạy các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên cứu, trường đại học (không bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức của người sử dụng lao động) và do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn, bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng, giữ như hiện nay gồm Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch và các Ủy viên; trong đó Chủ tịch là Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để điều hành hoạt động chung của Hội đồng; các Phó Chủ tịch có vai trò điều hành các hoạt động nội bộ của các Ủy viên mỗi bên để độc lập nghiên cứu, điều tra, khảo sát phục vụ xây dựng phương án tiền lương tối thiểu vùng hàng năm.