Để nợ xấu tốt lên

ANTD.VN - Tính đến cuối tháng 3-2017, tỷ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ, song con số thực tế lớn hơn nhiều, ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn hệ thống ngân hàng. 

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một bước quan trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của hệ thống tổ chức tín dụng và phát triển thị trường mua bán nợ. Sắp tới đây, việc mua bán nợ xấu sẽ được áp dụng theo cơ chế thị trường. Vì vậy VAMC phải có đủ tiềm lực tài chính mới có thể mua được món nợ “khủng” này. Mặc dù VAMC đã được phê duyệt cấp tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, nhưng đến nay nguồn vốn này chưa được rút đủ. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thiếu vốn, cơ quan này không biết xoay xở vào đâu.

Trong khi đó, VAMC còn thiếu cả hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với các tổ chức tín dụng nhằm theo dõi, nắm chắc các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Hơn thế, cơ quan này rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn khi hiện nay đang triển khai mua nợ bằng “tiền tươi” nên kinh nghiệm về mua nợ và quản lý khoản nợ.

Điều đáng quan tâm là, hiện nay hầu hết tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu đều “chôn” trong bất động sản. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần nhanh chóng vào cuộc hoàn thiện các thủ tục thế chấp, chuyển nhượng tài sản đảm bảo của các khoản nợ còn dang dở. Cùng với đó, Tòa án Nhân dân tối cao cũng cần hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án nhằm hỗ trợ  việc xử lý, thu hồi nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả.

Đại diện Ngân hàng thế giới nhận định, xử lý nợ xấu thành công sẽ bảo đảm hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ đạo, là huyết mạch nuôi dưỡng doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển lành mạnh; đồng thời củng cố hệ thống giám sát để ngăn chặn các khoản nợ xấu mới. Để nợ xấu tốt lên còn nhiều việc phải làm, giải pháp quyết liệt, quyết tâm cao.