Đề nghị làm rõ bản chất của thoả thuận quốc tế khi xây dựng luật

ANTD.VN - Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị cần làm rõ bản chất của thoả thuận quốc tế để làm cơ sở cho việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thoả thuận quốc tế, tránh chồng lấn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh 

Sáng 22-5, trình bày tờ trình Luật Thỏa thuận quốc tế trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc ban hành luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.

Theo đó, luật sẽ tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; điều chỉnh quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với các văn bản mới được ban hành, sửa đổi; đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định; khắc phục những điểm chưa thống nhất về kỹ thuật trong Pháp lệnh 2007 gây khó khăn cho việc giải thích và thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng tình với sự cần thiết và mục đích ban hành luật, song cũng chỉ ra một số quy định còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về khái niệm thoả thuận quốc tế, dự thảo luật quy định: “Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế”. 

Nhiều ý kiến cho rằng đã là cam kết quốc tế thì đều có sự ràng buộc ở các mức độ khác nhau trong quan hệ quốc tế giữa các chủ thể tham gia ký kết. Khi đã chấp nhận sự ràng buộc của thoả thuận quốc tế thì đương nhiên phát sinh quyền và nghĩa vụ của chủ thể ký kết, nhất là khi dự thảo Luật đã mở rộng ký kết gồm cả Nhà nước, Chính phủ; nếu phát sinh quyền và nghĩa vụ thì sẽ trùng với quy định Luật Điều ước quốc tế năm 2016. 

"Ủy ban Đối ngoại cho rằng cần làm rõ bản chất của thoả thuận quốc tế để làm cơ sở cho việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật, tránh chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế năm 2016; bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật này và trong hệ thống pháp luật", Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị. 

Về việc giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể việc ký kết, tổ chức thực hiện thoả thuận quốc tế đối với đơn vị trực thuộc/UBND cấp dưới, báo cáo thẩm tra cho rằng quy định như vậy có thể tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ về quy trình ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế và đề nghị giao Chính phủ quy định hướng dẫn thống nhất về trình tự, thủ tục ký kết, ủy quyền ký kết, tổ chức thực hiện các thoả thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước.