Đề khó, 90% bài thi Tiếng Anh dưới trung bình

ANTĐ - Phổ điểm các môn thi THPT Quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố mới đây cho thấy, mức điểm thấp đến khó tin ở môn Tiếng Anh khi có tới gần 90% bài thi đạt điểm dưới trung bình. Một thực tế gây “sốc” khác là ở môn thi này, các tỉnh miền núi, nông thôn lại giành thứ hạng cao hơn hẳn Hà Nội, TP.HCM.

Đề khó, 90% bài thi Tiếng Anh dưới trung bình ảnh 1Hà Nội không có tên trong tốp đầu về kết quả thi THPT quốc gia

Kết quả khó lý giải

Khi tham gia phân tích kết quả thi THPT Quốc gia năm nay, TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT chia sẻ, điều khó lý giải nhất trong kỳ thi năm nay là các tỉnh có mức điểm Tiếng Anh cao nhất thuộc về Bến Tre, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bạc Liêu; sau đó mới đến TP.HCM. Hà Nội còn đứng sau cả Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên… Đà Nẵng cũng đứng sau Hà Nội mấy bậc nữa. “Vậy mà lâu nay ai cũng nghĩ học sinh thành phố được đầu tư Tiếng Anh hơn hẳn nông thôn, miền núi” – TS Đàm Quang Minh chia sẻ. Điểm trung bình môn Tiếng Anh của Hà Nội chỉ là 3,56, bằng với mức điểm của tỉnh Hậu Giang. 

Một điểm khó giải thích nữa là điểm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội đứng gần thấp nhất trong bảng xếp hạng. Cụm thi tốt nghiệp của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 112 trên tổng số 120 cụm thi với mức bình quân 3,63 điểm trong khi nhiều cụm thi tốt nghiệp của các địa phương vùng khó khăn có mức cao hơn nhiều, tiêu biểu như Bắc Kạn (4,83), Tuyên Quang (4,77), Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng...

Theo ông Minh, điều này cho thấy, hoặc là Hà Nội có một lượng lớn thí sinh không quan tâm đến việc tốt nghiệp THPT điểm cao nhưng cũng không loại trừ khả năng do Hà Nội tổ chức thi nghiêm túc hơn các nơi khác. Không đưa ra bình luận về kết quả thứ hạng này nhưng đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, Hà Nội luôn tổ chức học và thi nghiêm túc nhất có thể, mặc dù đã có nhiều ý kiến cho rằng làm vậy thí sinh sẽ bị thiệt. 

Đề Tiếng Anh “hơi khó”

Theo nhận xét của TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, với thời gian 90 phút cho đề thi Tiếng Anh năm nay, không nhiều thí sinh có thể làm trọn vẹn. Đề thi gồm 64 câu trắc nghiệm, với 2 bài đọc và 1 bài điền từ, theo thông lệ của các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế thì khoảng 1-1,25 phút/câu hỏi trắc nghiệm như vậy. Hơn nữa, đề gồm 5 câu yêu cầu thí sinh viết lại câu đầy đủ và 1 bài luận 140 từ. “Thời lượng cho định dạng này sẽ tốt hơn cho thí sinh nếu là 100-105 phút”, TS Đỗ Tuấn Minh nhận định. Thời lượng không đủ khiến học sinh không có điều kiện thể hiện hết năng lực của mình. Thực tế, nhiều thí sinh bị 0 điểm phần tự luận và đa số bỏ trắng bài viết đoạn văn là minh chứng cho điều này.

Cũng theo TS. Đỗ Tuấn Minh, đề thi 2016 có khả năng phân hoá trong nội bộ nhóm học sinh khá giỏi tốt hơn đề thi năm 2015. “Tôi chia sẻ khó khăn của bộ phận chịu trách nhiệm về đề thi khi họ cần tạo sự cân đối nhất định trong việc đảm bảo một đề thi Tiếng Anh có cả hai chức năng.

Thứ nhất, đề thi dành cho đại trà học sinh trong một bối cảnh là việc dạy và học môn Tiếng Anh ở phổ thông mặc dù đã được đầu tư nhiều và cũng đã có nhiều cố gắng của cả thầy và trò nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Thứ hai, đề thi dành cho việc xét tuyển vào đại học và cao đẳng khi mà càng ngày các trường đại học, cao đẳng càng dành nhiều quan tâm cho các tổ hợp điểm có điểm môn Tiếng Anh trong đó. Dường như, đề thi năm nay làm tốt chức năng 2 hơn là chức năng 1” - TS Đỗ Tuấn Minh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi Ngoại ngữ năm nay được các chuyên gia đánh giá là hơi khó với những thí sinh chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT nhưng vừa tầm với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì vậy, Bộ đã cố gắng hết sức để đảm bảo được cả 2 yêu cầu. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, mặc dù điểm Tiếng Anh thấp nhưng số lượng các thí sinh rất đông nên không hạn chế số lượng nguồn tuyển của các trường khối D. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng, kết quả môn Tiếng Anh lần này càng cho thấy mặt bằng trình độ Ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa tốt và Bộ GD-ĐT cần xác định nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Đánh giá kết quả thi THPT quốc gia 2016, 5 tỉnh dẫn đầu cả nước là Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nam. Xét theo khối thi, các tỉnh có kết quả cao nhất ở khối A: Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An; Khối B: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam; khối C: Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa; khối D: Nam Định, TP.HCM, Bến Tre, Ninh Bình, Hà Nam.