Để Hà Nội thành nơi "đất lành"

ANTĐ - Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á vừa được công bố, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong 2 năm tới. 

Do Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn nên cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng cường khả năng hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.  Những lúc này tùy thuộc vào năng lực của từng địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 2 đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Đã thành thông lệ, hàng năm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh qua kết quả thăm dò ý kiến, đánh giá của giới doanh nghiệp, các hiệp hội như một hình thức “chấm điểm” khách quan, công khai. Đây chính là dịp để các tỉnh, thành “soi” lại mình, nhìn nhận thẳng thắn những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong con mắt của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xét về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Hà Nội và TP.HCM đều hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, vị thế và lợi thế đó chưa đủ quyết định năng lực cạnh tranh vượt trội. Mặc dù qua từng năm xếp hạng, năng lực cạnh tranh của Hà Nội đã nhích một vài bậc, song sức hút đầu tư thực sự chưa mạnh mẽ và hấp dẫn. Một trong những “điểm nghẽn” kìm hãm năng lực cạnh tranh chính là môi trường kinh doanh.

Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2016 cho thấy, trong 6 tiêu chí, chỉ có một vài tiêu chí đạt yêu cầu. Cụ thể, tiêu chí về khởi sự kinh doanh còn 5 thủ tục, trong thời gian 10-15 ngày, thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây.

Hoặc chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, tiếp cận năng lượng... đã được cải thiện. Tuy vậy, các chỉ số quan trọng khác là thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội đều không đạt. Đặc biệt, thủ tục cấp phép xây dựng còn kéo dài thêm 52 ngày. Chỉ số đăng ký sở hữu tài sản còn tăng thêm một số thủ tục khiến điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình thấp...

Giám đốc cấp cao khối cạnh tranh và thương mại, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt cải cách và phát triển, thời cơ và thuận lợi rất lớn. Để nắm được cơ hội này đưa đất nước phát triển, phải trông vào năng lực cạnh tranh của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Lợi ích quốc gia mà các hiệp định thương mại tự do đem lại có thể chỉ nằm trên giấy, nếu năng lực cạnh tranh không được nâng lên nhanh chóng.

Để tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rõ ràng phải tháo gỡ, giải tỏa những “điểm nghẽn” đã được nhìn thấy. Vì thế, trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại cởi mở, chân tình với doanh nghiệp Hoa Kỳ và một số nước phát triển mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đưa ra những cam kết tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư.

“Trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư một cách hiệu quả, tất yếu không thể tồn tại một nền hành chính vẫn nặng kiểu xin - cho với nhiều cấp, ngành, cán bộ, công chức làm khó cho doanh nghiệp. Tăng năng lực cạnh tranh chính là để Hà Nội thực sự là nơi “đất lành chim đậu”.