Để được nhân dân tin yêu, trước hết phải có một trái tim nhiệt huyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chúng tôi gặp Thượng úy Bùi Văn Kửu trong phiên trực ở địa bàn cơ sở, anh khiêm tốn khi nói về những thành tích của bản thân vì cho rằng, trong thành tích của cá nhân luôn có sự giúp sức của tập thể, trước hết là nhờ vào sự đóng góp từ nhân dân. Thượng úy Kửu khẳng định, dựa vào dân và được dân tin yêu thì bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt…

Để được nhân dân tin yêu, trước hết phải có một trái tim nhiệt huyết ảnh 1Thượng úy Bùi Văn Kửu luôn tâm niệm phải biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với người dân và hơn hết là “đặt mình vào địa vị nhân dân” để giải quyết công việc

Đặt mình vào địa vị người dân

Theo anh trực tiếp xuống địa bàn, đi qua những con ngõ nhỏ ở phố Trương Định, ai gặp Thượng úy Kửu cũng nở nụ cười trìu mến: “Kửu đấy à cháu”. Nhiều người vẫn suy nghĩ, công việc hàng ngày của một CSKV chỉ đơn giản đảm bảo ANTT địa bàn, hướng dẫn nhân dân khai báo tạm trú, tạm vắng, làm hộ khẩu… nhưng không hẳn như vậy. Để được người dân tin yêu không chỉ là hoàn thành tốt nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất mà còn phải thật sự bám sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân mới trở thành “người con của khu phố”.

Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát nhân dân, anh Kửu về nhận nhiệm vụ làm Cảnh sát khu vực tại phường Tân Mai. Nắm vững địa bàn, sâu sát cơ sở và nhân dân không phải là việc dễ với một cán bộ mới ra trường. Hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu thì cũng tương ứng với ngần ấy tính cách. Có một thứ mà Thượng úy Kửu luôn tâm niệm, đó là biết lắng nghe, chia sẻ cảm thông với bà con. Và hơn hết là “đặt mình vào địa vị người dân” để giải quyết công việc. Bởi vậy mà chẳng mấy chốc Thượng úy Kửu trở thành “người nhà” trong khu dân cư số 2 với 4 tổ dân phố. Nhớ lại những ngày đầu phụ trách địa bàn khu 7, anh Kửu bảo, khu vực này trước đây là xã Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì), nơi văn hóa làng xã đã bám rễ sâu sắc. Người dân ở đây có nhiều đất đai, chính vì vậy khi trở thành phường, cuộc sống đô thị hóa dẫn tới nhiều mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ đất. Thậm chí cả người thân, anh chị em ruột cũng bởi thế mà xung đột. Đến nỗi có thời người ta nói vui, tranh chấp đất đai là “đặc sản” của phường.

Chiến sỹ CSKV trẻ Bùi Văn Kửu nhận thấy những mâu thuẫn này là rất nguy hiểm nếu kéo dài và anh quyết định sẽ phải hóa giải bằng được. Mà đã làm thì phải làm từ vụ khó nhất. Điển hình là vụ mâu thuẫn ở gia đình ông T, bà O ở tổ dân phố 7. Dù là anh em ruột, nhưng ngày nào 2 gia đình cũng có va chạm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Cơ sở hòa giải nhiều lần, nhưng đôi bên ai cũng bám lấy cái lý của mình, không chịu nhường nhịn nhau. Cùng cán bộ cơ sở phân tích kỹ tình hình, anh Kửu quyết định mời luật sư về tư vấn cho cả 2 bên. Trước những kiến thức pháp luật và sự kiên trì, động viên tình cảm của người CSKV trẻ nhiệt huyết, cuối cùng sau hàng tháng trời vận động, người anh trai đã quyết định mua nhà khác cho người em, đôi bên đều vui vẻ. “Nghe thì ngắn gọn thế chứ vất vả lắm. Để hòa đồng được với hàng nghìn con người ấy, CSKV phải quan sát, lắng nghe và học hỏi rất nhiều. Để gần gũi với bà con, anh Kửu phải học những chuyện “trên trời, dưới biển”. Từ chuyện chơi chim, nuôi gà, chơi cây cảnh... cho đến những thứ cao siêu như âm nhạc, thể thao, hội họa... cái gì cũng phải tìm hiểu từ đó dân mới tin, mới chia sẻ, tâm sự. Nhờ có cách làm hay, anh Kửu đã tháo gỡ và giải quyết triệt để những vụ tranh chấp đất đai kéo dài ở địa bàn. Vì thế mà ngõ phố bình yên hẳn” - ông Lương Bắc Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7 cho biết.

Rồi trước tình hình, ở địa bàn có nhiều khu nhà trọ khá phức tạp về an ninh trật tự khi chủ nhà chỉ chạy theo lợi nhuận, anh Kửu rà soát, lập danh sách các chủ nhà trọ, tìm cách gặp gỡ, thuyết phục để phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Hàng tháng, anh tiến hành trao đổi thông tin 2 chiều giữa cán bộ nòng cốt ở cơ sở và nhân dân để kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân liên quan đến an ninh trật tự địa bàn. Người dân cũng như chủ các nhà trọ ở tổ dân phố hiện nay đều tích cực tham gia bảo vệ ngõ phố, các đối tượng bặm trợn, xăm trổ đều không được thuê trọ…

Nâng đỡ những mảnh đời lầm lỗi

Giàu lên nhờ đất đai rồi sau đó lại vướng vào tệ nạn xã hội là câu chuyện phổ biến ở nhiều nơi. Tại địa bàn mà Thượng úy Bùi Văn Kửu phụ trách cũng vậy, anh nhớ mãi giọt nước mắt và lời cầu khẩn “anh giúp chúng tôi với” của đôi vợ chồng già có người con nghiện ma túy lâu năm khi anh về nhận nhiệm vụ. Đọc lại từng trang hồ sơ về đối tượng N.T.L ở Tổ dân phố số 9, anh Kửu phát hiện ra một điều quan trọng có thể đưa L quay trở về với cuộc sống. Đó là, L là một trí thức, đã từng học đại học, có lẽ do đua đòi mới bập vào ma túy rồi sau đó mặc cảm khiến L càng trượt dài thêm.

Anh Kửu tìm L để nói chuyện, nhưng L trốn tránh. Không bỏ cuộc, ạnh nhờ từ bà bán nước đến ông tổ trưởng chỉ để “bác thấy L thì gọi cho cháu ngay nhé”. Kiên trì mãi, cuối cùng L cũng chịu gặp anh CSKV. Mỗi ngày nói chuyện một chút, từ hỏi thăm xã giao đến tâm sự cuộc đời. Thế rồi L cũng đồng ý nghe anh Kửu để tham gia CLB cai nghiện ma túy cộng đồng. Sau 1 năm thì L dứt hẳn ma túy, anh Kửu cũng đã tìm cho L một việc làm phù hợp. Hiện L đã chuyển đến địa bàn khác sinh sống nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với “ân nhân” của mình. “Anh L hiện làm bảo vệ cho UBND phường và cũng là một trong những nòng cốt của câu lạc bộ cai nghiện tại nơi sinh sống, tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ. Đó là một trong những kỷ niệm nhỏ mà tôi rất tự hào và hạnh phúc khi nhớ đến” - Thượng úy Bùi Văn Kửu nói.

Bà Hoàng Thị Hồng Lâm - Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 phường Tân Mai cho biết, đã có 2 người nghiện ma túy trên địa bàn được Thượng úy Bùi Văn Kửu cảm hóa, quay về với cộng đồng và có công ăn việc làm ổn định. “Khu phố yên bình bắt đầu từ ngay những việc nhỏ đấy thôi chú ạ. Nhỏ nhưng không phải ai cũng làm được đâu nếu không có một trái tim nhiệt huyết. Bà con ai cũng coi anh Kửu như người con của khu phố” - bà Lâm nhận xét. Trước khi chia tay với chúng tôi để trở về với công việc vốn “bận như con mọn” của CSKV, Thượng úy Bùi Văn Kửu khoe: “Phường tôi có nhóm Zalo về an ninh trật tự sôi nổi lắm. Chúng tôi đã mời 3.173 người thuộc 3.173 hộ dân vào 63 nhóm Zalo. Tổng số tin, bài đã đăng là hơn 500 tin, bài, đều là thông tin đã được các cấp chỉ huy thẩm định giúp cho người dân được tiếp cận với nguồn tin chính thống, cũng như nhận được nhiều tin an ninh trật tự quý giá. Người dân chung tay, phố phường bình yên…”.

“Nghe thì ngắn gọn thế chứ vất vả lắm. Để hòa đồng được với hàng nghìn con người ấy, CSKV phải quan sát, lắng nghe và học hỏi rất nhiều. Để gần gũi với bà con, anh Kửu phải học những chuyện “trên trời, dưới biển”. Từ chuyện chơi chim, nuôi gà, chơi cây cảnh... cho đến những thứ cao siêu như âm nhạc, thể thao, hội họa... cái gì cũng phải tìm hiểu từ đó dân mới tin, mới chia sẻ, tâm sự. Nhờ có cách làm hay, anh Kửu đã tháo gỡ và giải quyết triệt để những vụ tranh chấp đất đai kéo dài ở địa bàn. Vì thế mà ngõ phố bình yên hẳn” .

Ông Lương Bắc Sơn - Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Tân Mai