Đê điều Hà Nội: Vi phạm nhiều xử lý ít

ANTĐ - Tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng”. Nhiều tuyến đê bị lấn chiếm, chiếm dụng để tập kết nguyên vật liệu xây dựng. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần đốc thúc ngành NN&PTNT Hà Nội ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm này.
Đê điều Hà Nội: Vi phạm nhiều  xử lý ít ảnh 1

Vật liệu xây dựng xâm phạm hành lang đê điều trên địa bàn Hà Nội 

Cuốc thân đê để trồng rau

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, hệ thống công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn TP nhìn chung ổn định, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi và hành lang an toàn đê điều xảy ra nhiều. Cụ thể, toàn TP xảy ra 174 vụ vi phạm công trình thủy lợi, trong đó mới giải tỏa được 12 vụ, tồn đọng 162 vụ.

Về đê điều, có tới 204 vụ vi phạm xảy ra, tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước (6 tháng đầu năm 2014, TP chỉ xảy ra 135 vụ, năm 2013 là 114 vụ). Đáng nói, tính chất, diễn biến của các vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Đó là chưa kể, trên địa bàn TP còn tồn đọng hơn 2.000 vụ vi phạm về đê điều từ năm 2014 về trước.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, vi phạm hành lang an toàn đê điều dưới dạng khai thác cát trái phép, lập bến bãi khai thác cát, lập bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép… tăng mạnh.

Ngoài ra, tình trạng khai thác, sản xuất gạch trái phép cũng diễn biến phức tạp, nhất là khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. “Tình hình vi phạm pháp luật đê điều diễn ra phức tạp song công tác ngăn chặn, xử lý chưa đạt yêu cầu. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn rất hạn chế”, ông Đỗ Đức Thịnh nhìn nhận.

Hiện nay, nhiều tuyến đê trên địa bàn TP chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới tình trạng người dân cuốc thân đê, mặt đê để trồng rau, cây ăn quả. Nhiều điếm canh đê bị xuống cấp hoặc được cho thuê sử dụng vào mục đích khác.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan, theo ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện quy hoạch hệ thống đê điều (thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT) vẫn chưa được phê duyệt, gây khó khăn cho địa phương trong việc xác định hành lang bảo vệ đê điều. 

Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo quận, huyện

Dù trước mỗi mùa bão lũ hàng năm, UBND TP Hà Nội đều yêu cầu ngành NN&PTNT cùng các quận, huyện xử lý, ngăn chặn vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, đặc biệt không để vi phạm mới xuất hiện. Tuy nhiên, số vụ vi phạm tăng mạnh nhưng xử lý thì rất ít. Trước diễn biến đó, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các địa phương xử lý, ngăn chặn.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho hay, trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng xây nhà trong khu vực hành lang phân lũ, tập kết cát sỏi trên mặt đê, khai thác cát dưới lòng sông… có thể bắt gặp ở hầu hết các huyện có sông chảy qua. Địa phương nào cũng nại lý do khó khăn, để mặc vi phạm mới diễn ra.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo các quận, huyện. “Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện đã được quy định cụ thể trong Luật Đê điều, trong đó, Chủ tịch UBND huyện là chủ thể chính tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ đê điều và hộ đê trên địa bàn; có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đê điều”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ. 

Trong khi đó, tình trạng sạt lở trên các tuyến đê sông Đà, sông Hồng (đoạn qua huyện Ba Vì), sông Tích (đoạn qua huyện Quốc Oai)… đang diễn biến phức tạp. Tại huyện Ba Vì, bờ hữu sông Hồng xảy ra 4 vị trí sạt lở thuộc địa giới hành chính các xã Thái Hòa, Phong Vân và Chu Minh (huyện Ba Vì).

Trong đó, sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn đê thuộc xã Thái Hòa, do bờ sông dốc, chưa được gia cố kè hộ chân. Có vị trí sạt lở khiến đường giao thông chỉ còn lại 1,5-2m. Đáng chú ý, đây là khu vực tập trung đông dân cư. Tại huyện Quốc Oai, bờ đê bao tả sông Tích xảy ra 3 vị trí sạt lở thuộc các xã Tuyến Nghĩa, Cấn Hữu, Hòa Thạch, dài khoảng 660m…