Đề cao "nguyên tắc suy đoán vô tội"

ANTĐ - Chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Quy định về “nguyên tắc suy đoán vô tội” được nhiều ý kiến quan tâm thảo luận. 
Đề cao "nguyên tắc suy đoán vô tội" ảnh 1

Các đại biểu thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) tại phiên họp

Giải pháp tránh oan, sai

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội từ những phiên thảo luận trước và bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã đề nghị chỉnh lý lại một số nội dung về “nguyên tắc suy đoán vô tội” (Điều 13) trong bản dự thảo lần này.

Theo đó, người bị buộc tội sẽ được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục theo luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Còn khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội. 

Góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, tiếp cận tố tụng hình sự theo nguyên tắc suy đoán vô tội có nghĩa là tất cả người tiến hành tố tụng, điều tra viên ngay từ ban đầu đều phải xác định người bị buộc tội vô tội, chưa có tội. Khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội.

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đồng tình và cho rằng “có như vậy mới tránh được oan, sai”. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đề nghị, không chỉ có nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cần đưa thêm nguyên tắc “xử lý có lợi” cho đương sự.

Về nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý theo hướng “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đưa ra yêu cầu, đối đáp, tranh luận dân chủ trước tòa án…”.

Chưa hoàn toàn đồng tình với nội dung này, ông Phan Trung Lý cho rằng, cần rà soát lại sao cho thực sự đảm bảo quyền bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng, thậm chí ngay việc sắp xếp ai hỏi trước, ai hỏi sau trong phiên tòa cũng rất quan trọng. Mặt khác, để đảm bảo khách quan, luật cũng phải quy định rõ xem bị cáo có được quyền hỏi lại hay không.

Cân nhắc phạm vi ghi âm, ghi hình

Liên quan đến quy định tại Điều 188 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, đây là hoạt động cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, nhục hình. Do vậy, dự thảo luật quy định theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn, nếu mở rộng phạm vi ghi âm, ghi hình như vậy sẽ rất khó khả thi. Tương tự, quy định sau khi ghi âm, ghi hình, bắt buộc phải phát lại cho bị cáo nghe, theo các đại biểu, sẽ rất mất thời gian và không thực sự cần thiết. “Nếu bị cáo nhận tội rồi thì ghi âm, ghi hình xong niêm phong để đấy. Sau này tùy từng trường hợp mới sử dụng, chẳng hạn khi ra tòa, bị cáo nói bị bức cung thì lúc đó sẽ phát lại” - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn nêu ý kiến.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng góp ý về việc cần thiết phải quy định các “biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt” ngay trong Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhất là phải ghi rõ các biện pháp điều tra đặc biệt này gồm những biện pháp gì, quy trình, trình tự, thời gian áp dụng ra sao. Trước đó, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.