ĐBQH ủng hộ Hà Nội bỏ HĐND phường, đề xuất thí điểm luôn ở các thành phố lớn

ANTD.VN - ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM tán thành đề xuất bỏ HĐND cấp phường ở Hà Nội, thậm chí có thể bỏ luôn HĐND quận, và không chỉ Hà Nội mà TP HCM cũng nên đề xuất triển khai luôn…

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 29-10

Sáng nay, 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, về đề xuất thí điểm bỏ HĐND ở 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội, quan điểm của bà là hoàn toàn đồng ý. Thậm chí, lúc này không phải là thí điểm nữa mà nên xin triển khai luôn, vì thực tế trước đây chúng ta cũng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện tại 10 tỉnh, thành phố.

“Tại TP HCM, khi thí điểm bỏ HĐND quận, tức tổ chức HĐND 2 cấp (cấp thành phố và cấp phường) dù còn những hạn chế nhưng đánh giá chung thì ưu điểm, hiệu quả là căn bản” – nữ ĐB nguyên là Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, bà Quyết Tâm cho biết, khi bỏ HĐND phường thì UBND phường sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền quận tại cơ sở, tức hoạt động như một Ủy ban hành chính. Mặt khác, bỏ HĐND phường không có nghĩa là người dân không có đại biểu, không có đại diện cho quyền lợi của mình tại địa phương mà đại biểu HĐND thành phố, quận sẽ chính là người đại diện cho cử tri ở phường.

“Thế nên tôi nghĩ triển khai việc này không có gì vướng cả. Hơn nữa, việc này chính là giải pháp hiệu quả để giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Vấn đề là phải phân định rõ nhiệm vụ, tránh chồng chéo” – nữ ĐBQH chia sẻ.

Mặt khác, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM góp ý, không chỉ ở Hà Nội mà TP HCM cũng nên đề xuất Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội cho phép triển khai thí điểm mô hình bỏ HĐND phường hoặc quận ở TP HCM, nhằm có thêm cơ sở để nhân rộng.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tán thành bỏ HĐND phường ở Hà Nội

Cũng qua thảo luận tại tổ TP HCM, đa phần ĐBQH tán thành với dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thực tiễn HĐND phường ở một số đô thị thời gian qua hoạt động còn hình thức, mà cái gì còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả thì có thể bỏ. Dù vậy, điều quan trọng nhất là quyền và tiếng nói của cử tri, nhân dân vẫn phải được đảm bảo.

“Khi bỏ HĐND phường thì chúng ta phải tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu HĐND quận, kể cả đại biểu HĐND cấp thành phố, ĐBQH. Vấn đề là phải thiết kết lại một số quy định về chức năng nhiệm vụ của HĐND quận, để người dân ở tất cả các phường vẫn có quyền được tiếp cận các đại biểu của địa phương mình” – ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý.

Đề xuất không sáp nhập 3 cơ quan khối văn phòng ở cấp tỉnh làm 1

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, một số ĐB trong đoàn TP HCM cho rằng, đây là một dự án luật rất quan trọng nên khi sửa cần phải thật thận trọng, có thời gian để đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Vì thế, không nên vội vàng thông qua Luật này ngay trong kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2020 như dự kiến.

Về một số nội dung cụ thể trong dự luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa, việc sáp nhập 3 Văn phòng UBND, HĐND và Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh/ thành phố thành 1 Văn phòng chung là không hợp lý bởi giữa cơ quan hành pháp, tư pháp, giám sát có vị trí, chức năng, chính sách cũng khác nhau. Nên chăng, chỉ sáp nhập Văn phòng HĐND và Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh/ thành phố làm 1 Văn phòng, còn Văn phòng UBND phải tách riêng.

Các ĐB cũng đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm bớt cơ cấu số lượng đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu khối hành pháp. Lý do vì đại biểu ở khối hành pháp phải đứng “hai vai” – vừa xây dựng pháp luật vừa triển khai thi hành chính sách pháp luật – thì rất khó đảm bảo hài hòa nhiệm vụ, khó phản ánh đúng tiếng nói của cử tri.