ĐBQH: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là xu thế chính trị tất yếu

ANTD.VN - Chia sẻ với báo chí ngay sau khi Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, các ĐBQH Dương Trung Quốc, Lê Thanh Vân… đều cho rằng, Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là xu thế chính trị của thời đại.

ĐBQH Dương Trung Quốc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23-10

Nêu quan điểm cá nhân, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, ông ủng hộ rất cao với việc bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước.

“Kết quả bỏ phiếu chiều 23-10 đã cho thấy sự đồng tình, thống nhất rất cao từ các ĐBQH khác. Theo tôi, đây không chỉ là một giải pháp tình huống mà còn đi đúng theo xu thế chính trị của thời đại” – ĐBQH Dương Trung Quốc nói.

Về giám sát quyền lực đối với người giữ các chức vụ quan trọng, theo ĐB Dương Trung Quốc, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nâng cao dân chủ, thiết chế để người dân cùng giám sát. 

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia – một chức danh có vai trò rất quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại và là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng-An ninh.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước rất phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và tạo thuận lợi đặc biệt trong công tác đối ngoại của Việt Nam.

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là quy luật chính trị tất yếu

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chia sẻ, khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước cùng là một người, thì việc xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trước câu hỏi về việc có nên luật hoá việc Tổng Bí thư sẽ đồng thời là Chủ tịch nước để áp dụng ở các nhiệm kỳ sau, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc này không nhất thiết phải quy định bằng Luật mà còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh lịch sử.

“Khi Đảng cầm quyền giới thiệu người đứng đầu Đảng ra ứng cử để bầu làm Chủ tịch nước, đó là tham chính một cách minh bạch của Đảng cầm quyền, cũng là quy luật chính trị tất yếu diễn ra hầu hết ở các nước, thế nên không nhất thiết phải Luật hoá. Có ai đó hiểu lầm rằng nếu luật hoá thì tính chính danh của Đảng, tính pháp lý sẽ cao hơn nhưng tôi cho rằng không cần thiết” – ĐB Lê Thanh Vân nói.