ĐBQH: Thật khó có thể tự hào với vị trí Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ ba châu Á về sử dụng bia, rượu

ANTD.VN -"Thật khó có thể tự hào với vị trí nước ta đứng đầu Đông Nam Á, thứ ba châu Á về bia, rượu. Phải chăng một phần nguyên nhân của thành tích này xuất phát từ nỗ lực của ngành bia, rượu, bởi thật dễ dàng tìm thấy bia, rượu ở mọi lúc, mọi nơi từ các cửa hàng tạp hóa, quán ăn đến các nhà hàng sang trọng"...

Khi rượu, bia là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật

Đó là ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 16-11 về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu này nhận định, theo Ủy ban ATGTQG, mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội là không thể đo đếm được.

Quảng cáo bia, rượu với những mỹ từ  như “hào khí ngàn năm” “chung một đam mê”, “chất men thành công” dễ làm người nghe lầm tưởng, Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, khiến nhiều gia đình mất đi người ruột thịt…

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu

“Tôi đồng ý cao với sự cần thiết ban hành và tên gọi của luật cùng những chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa việc quảng cáo bia rượu. Song theo tôi, việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trên các chương trình của báo nói, báo hình, báo in và cả mạng xã hội chứ không chỉ trong các chương trình dành cho thiếu nhi” – Đại biểu Nhân đề xuất.

Cũng theo Đại biểu Nhân, mỗi năm bia, rượu đã gây tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội. Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người sử dụng lạm dụng và ngành rượu, bia dường như không hề liên quan. Các đơn vị, cá nhân cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, tác hại lại được dùng nhiều mỹ từ để bảo vệ.

Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, của bạo lực, bạo hành? Phản biện là cần thiết nhưng đến mức nếu cho rằng việc thông qua Dự án Luật này là khai tử ngành rượu bia thì hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo hành hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của người vợ mất chồng, con mất cha do uống rượu gây ra – Đại biểu Nhân phân tích.

Kết thúc phần phát biểu, vị Đại biểu này nhấn mạnh, chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay nguồn thu do sản xuất rượu, bia mang lại? Việc phòng, chống tác hại của rượu, bia phải được thực hiện triệt để. Dự án án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cần đươc xây dựng chặt chẽ, không có cài cắm lợi ích, đánh tráo khái niệm vì tổn thất do tác hại của bia, rượu là quá lớn.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất rượu, bia không đảm bảo chất lượng

Cùng cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung vào Dự thảo luật các biện pháp và chế tài mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất rượu, bia không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia quá mức, thiếu văn hóa ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân họ và xã hội.

Cũng theo Đại biểu Chiểu, không nên đồng nhất rượu và bia để đưa ra các chế tài giống nhau vì điều này trái với pháp luật hiện hành.

Đại biểu Chiểu cho ví dụ,  Điều 20 Dự thảo quy định “không được bán rượu bia trên mạng internet”. Với quy định này, chỉ nên áp dụng đối với rượu vì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn nếu áp dụng với bia là trái quy định hiện hành vì bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên cần được đối xử bình đẳng đối với các hàng hóa khác trong đó có việc được phép bán trên mạng.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) phát biểu

Về tên gọi của Dự án Luật là “Luật phòng, chống tác hại của rượu bia”, Đại biểu Chiểu cho rằng, tên gọi này dễ dẫn đến cách hiểu rượu và bia là hoàn toàn có hại. Trong khi đó, tác hại chỉ xảy ra khi sử dụng quá liều lượng, sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Vị đại biểu này tiếp tục phân tích, với mục đích ban hành luật để bảo vệ sức khỏe nhân dân nên đối tượng tác động của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người sử dụng phải có ý thức để không ảnh hưởng đến sức khỏe, cộng đồng. 

Do vậy, tên gọi của luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm là không có hại. Ngoài ra hiện trên thế giới và thị trường trong nước đã có những sản phẩm có nồng độ cồn tương đương với bia song không đăng ký là bia.

Cho rằng nếu Dự án Luật chỉ điều chỉnh rượu và bia là chưa bao quát hết thực tiễn, Đại biểu Chiểu đã đề nghị tên của Luật là “Luật kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) tranh luận, đại biểu Chiểu dường như có sự nhầm lẫn về tên dự án luật. Luật không cấm rượu, bia mà chỉ phòng tác hại của rượu bia.

 “Cần hiểu rõ khái niệm “lạm dụng rượu là gì”. Có thể thấy, lạm dụng rượu chia làm 3 mức độ: uống có mức nguy hại cho sức khỏe (thường xuyên, có nguy cơ gây hậu quả tai hại  về thể chất,  tâm thần và xã hội), uống quá độ, nghiện rượu. Nếu chúng ta chờ đến lúc uống rượu bia, thường xuyên, gây hại cho sức khỏe rồi mới phòng thì đã quá muộn” – Đại biểu Tuấn nói.