ĐBQH: "Không thể bắt tất cả các đơn vị sự nghiệp tự chủ"

ANTD.VN - Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, một số nơi còn đang hiểu sai về việc tinh giản biên chế khối đơn vị sự nghiệp, không đúng với chủ trương của Đảng và cần sắp xếp lại khối này vì "không thể bắt tất cả các đơn vị sự nghiệp tự chủ được".

Sáng nay 24-10, Quốc hội dành nửa cuối phiên họp để thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ.

Đa số các đại biểu bày tỏ vui mừng trước những tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế xã hội trong 3 năm đầu giai đoạn 5 năm 2016-2020, song cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị một số giải pháp. 

Cho rằng thu ngân sách hiện nay không bền vững, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) chỉ ra: "Ba năm qua chúng ta tính đều là vượt thu nhưng vượt thu lại từ đất đai, tài nguyên, xổ số… Loại trừ các khoản này ra, ba khoản quan trọng nhất đều hụt thu là thu doanh nghiệp nhà nước, thu FDI và thu ngoài quốc doanh".

Ông Hàm nhấn mạnh: "Chúng ta đang cố gắng thu nhưng không bền vững”.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10

Đại biểu đoàn Phú Thọ trăn trở trước vấn đề thu ngân sách trung ương đang giảm khiến các công trình, nhiệm vụ quốc gia nguy cơ không làm được.

“Tôi lấy ví dụ như tuyến đường ven biển, Trung ương làm sẽ khác với chia nhỏ cho mỗi tỉnh làm một phần, sẽ không thể thành công trình hoàn hảo được”, ông Hàm dẫn chứng và nhấn mạnh: “Nếu Trung ương không nắm được vai trò chủ đạo thì không làm được các công trình, nhiệm vụ mang tính quốc gia”.

Cũng theo đại biểu Hàm, trong giai đoạn 5 năm, chúng ta đặt ra quyết tâm điều chỉnh chính sách thu nhưng không làm được. Chính phủ đi theo hướng khai thác nguồn thu còn dư địa và không ảnh hưởng tới người dân, tức là tập trung vào thuế trực thu chứ không phải gián thu...

“Việc này có thể động chạm nhưng cần quyết tâm. Bởi chúng ta phân phối lại thu nhập là hoàn toàn bình đẳng”, ông Hàm nhấn mạnh. 

Thêm một vấn đề được đại biểu Hàm đề cập, đó là chúng ta đang giảm chi thường xuyên, trong đó có hai trụ cột là tinh giản biên chế và sắp xếp lại doanh nghiệp, nâng cao tự chủ.

Đánh giá chủ trương là đúng, nhưng trong triển khai có một số vấn đề, đại biểu Hàm chỉ ra: “Tinh giản biên chế hiện nay không đạt được lộ trình. Còn về giảm số đơn vị sự nghiệp, chúng ta đặt ra giảm 10% cấp chi ngân sách thường xuyên trong khối sự nghiệp chứ không phải giảm biên chế. Thực tế hiện nay, ngành y tế giáo dục kêu than bởi rõ ràng dân số, đời sống phát triển thì phải tăng bác sỹ, giáo viên.

Bây giờ chúng ta lại cắt giảm là không hợp lý. Theo tôi phương án là phải tăng tự chủ, giảm cấp chi thường xuyên, còn người ta làm được tuyển biên chế là bình thường”. 

Theo ông Hàm, đây là chỗ chúng ta đang “vướng” nên cần sắp xếp lại khối này vì không thể bắt tất cả các đơn vị sự nghiệp tự chủ được. Ngoài ra, cần phải thống nhất từ trung ương tới địa phương sắp xếp hệ thống của các ngành, ví dụ giáo dục giảm còn bao nhiêu trường, y tế còn bao nhiêu trung tâm… “Còn như hiện nay là rất lúng túng, không thực hiện được”, ông Hàm nhấn mạnh.

Về nợ công, thành công rất lớn trong ba năm qua là chúng ta đã cơ cấu lại nợ và giảm khoản trả nợ trong hàng năm, tuy nhiên quy mô nợ còn rất lớn. Ngân sách Trung ương không có thặng dư để trả nợ và thực trạng này còn kéo dài thêm vài năm nữa.

Từ phân tích trên, đại biểu Hàm kiến nghị, ngoài siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ phải là những công trình tạo ra tăng trưởng, liên kết vùng và tốt nhất là các công trình tạo ra thu hồi vốn. 

Theo lịch làm việc, trong hai ngày 26 và 27-10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.