ĐBQH đề nghị: Vẫn dùng từ "học phí" nhưng tính theo cơ chế "giá"

ANTD.VN - "Vẫn nên sử dụng thuật ngữ học phí nhưng tính toán theo cơ chế giá, tính toán đầy đủ các dịch vụ đào tạo, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo", đại biểu Huỳnh Thành Đạt nêu quan điểm.

Chiều 30-5-2018, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Một trong những vấn đề gây chú ý và được thảo luận sôi nổi là việc Bộ GD-ĐT sử dụng thuật ngữ “giá dịch vụ đào tạo” thay “học phí” trong dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng phải hiểu nội hàm của giá dịch vụ, đồng thời khái niệm giữa nội hàm học phí và giá dịch vụ là khác nhau.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt đề nghị vẫn dùng thuật ngữ quen thuộc là "học phí" nhưng tính theo cơ chế "giá"

“Học phí thực hiện theo Luật Phí, lệ phí do nhà nước ấn định. Còn nói giá dịch vụ tức là một yếu tố được xác định theo Luật Giá. Cá nhân tôi thì thấy, về mặt tên gọi có thể gọi bằng cách nào đó năng động không nhất thiết dùng giá dịch vụ đào tạo”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) bày tỏ đồng ý về nội hàm thì khái niệm này rộng hơn học phí, nhưng theo ông vẫn có thể dùng từ “học phí”, vốn đã rất quen thuộc và chỉ cần định nghĩa lại cho rõ trong luật này là được.

"Nước ngoài người ta cũng chỉ dùng một khái niệm “tuition fee”, là “học phí”. Dùng một thuật ngữ lạ tai quá thì khó chịu, xã hội khó chấp nhận”, ông Nguyễn Thanh Phương nói. 

Bàn về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP.HCM) cho rằng: “Vẫn nên sử dụng thuật ngữ học phí nhưng tính toán theo cơ chế giá, tính toán đầy đủ các dịch vụ đào tạo, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo".

Cũng theo đại biểu Huỳnh Thành Đạt, điều quan trọng hơn cả là nhà trường làm sao phải có chất lượng đào tạo tương ứng với giá dịch vụ. Ngoài ra, khi thực hiện cơ chế giá phải đảm bảo chăm lo những sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, không để các em bị ảnh hưởng khi thực hiện theo cơ chế này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc thay quy định miễn học phí bằng vay tín dụng sư phạm sẽ giúp sinh viên có trách nhiệm hơn trong học tập và chọn lĩnh vực nghề

Vị đại biểu TP.HCM đề cập thêm, vấn đề tự chủ tài chính, tài sản của dự thảo luật đang có một nội dung gây khó cho các trường đại học, đó là các cơ sở giáo dục có quyền quyết định đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất bằng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước. "Quy định này đang vướng Luật đầu tư công là phải có cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu tháo gỡ được sẽ tạo ra đột phá về tự chủ tài chính”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với việc “thay quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm: “Không mất tiền thì chưa chắc các em đã say mê, thậm chí còn gây lãng phí về thời gian, kinh tế và cơ hội. Khi phải đóng tiền, mọi người sẽ lựa chọn lĩnh vực nào thật sự cần và phù hợp với bản thân và sẽ có trách nhiệm trong việc lựa chọn dịch vụ đó. Nếu đi học mà hưởng dịch vụ cho không thì rất có thể sẽ có tình trạng vì cho không nên họ đi học. Khi động cơ đi học không tốt, thì chắc chắn họ không thể nghiêm túc học tập để toàn tâm toàn ký phục vụ cho xã hội…”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích: Học phí là khái niệm nghe quen tai song nó có nội hàm khác và không phải là tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Khi đào tạo chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình, chính vì thế phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật Giá. 

"Trước hết phải theo Luật, cần vận dụng cho phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo không sai Luật đồng thời phù hợp với đặc điểm của ngành", người đứng đầu Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.

Tuy nhiên theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đa số ý kiến lại không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo luật.

Vào hai ngày 11 và 12-6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có trách nhiệm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.