ĐBQH đề nghị công khai kết quả xử lý giám thị để lọt đề thi vào lớp 10

ANTD.VN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đề nghị, trong vụ để lọt đề thi vào lớp 10 tại Hà Nội, cơ quan chức năng cần phải công bố rộng rãi kết quả xử lý để có tính chất răn đe, cảnh báo, rút kinh nghiệm…

ĐBQH Phạm Tất Thắng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 8-6, ĐB Phạm Tất Thắng chia sẻ, theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng ngày hôm qua liên quan đến việc để lọt đề thi ngữ văn, toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, ông được biết ngành giáo dục Hà Nội lý giải đây không phải là lộ đề trước mà là lọt đề khi quá trình thi đã diễn ra.

“Song dù là lọt đề như vậy thì vẫn là việc không hay, vẫn liên quan đến quá trình bảo mật của kỳ thi. Việc để lọt đề thi ra ngoài như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh, đồng thời gây ra sự nghi ngờ trong dư luận về việc tổ chức kỳ thi và tính bảo mật của kỳ thi chưa thực hiện tốt” – ĐB Phạm Tất Thắng nói.

Qua sự việc này, ĐB Phạm Tất Thắng cho rằng, ngành giáo dục Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm. Trong đó, cần tăng cường phổ biến quy chế thi một cách rộng rãi, nhất là có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa để các giám thị không có những vi phạm tương tự trong quá trình tổ chức coi thi.

“Ngành giáo dục phải đối chiếu và xem lại quy chế, nếu vi phạm ở mức độ nào thì phải có quy định xử lý đến đó theo đúng quy chế. Đồng thời phải công bố rộng rãi kết quả xử lý để có tính chất răn đe, cảnh báo, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những kỳ tuyển sinh sau”- ĐB Phạm Tất Thắng đề nghị.

Vấn đề đặt ra là không riêng kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua mà những năm gần đây, thi thoảng ở chỗ này chỗ khác vẫn xảy ra tình trạng lộ, lọt đề thi tương tự như vậy, phải chăng chế tài xử lý với các vi phạm này chưa đủ sức răn đe?

Trả lời câu hỏi này, ĐB Phạm Tất Thắng cho biết, số lượng điểm thi ở mỗi kỳ thi rất lớn nên xác suất để xảy ra một số vi phạm, hành vi không mong muốn là có thể xảy ra.

Ngành giáo dục cũng phải xem lại quy chế của mỗi kỳ tuyển sinh, xem quy định đã đủ mạnh chưa, nếu chưa thì phải sửa đổi lại quy chế cho phù hợp. Mục tiêu quan trọng nhất, đã là kỳ thi thì phải đảm bảo công bằng, thế nên việc xây dựng một quy chế thi chặt chẽ, nghiêm túc là rất quan trọng.