ĐBQH đã "nhận diện" khá đầy đủ về người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm

ANTD.VN - Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), vấn đề thu nhập, tài sản của những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm cũng có thể coi là một tiêu chí để các ĐBQH đánh giá, nhưng trong bản kiểm điểm của 48 người đã gửi tới các ĐBQH, ít người đề cập tới vấn đề này.

ĐBQH Vũ Trọng Kim trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Trả lời báo chí về việc ngày 25-10, Quốc hội sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với 48 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ĐB Vũ Trọng Kim cho biết, đây là một nội dung giám sát quan trọng của Quốc hội, các ĐBQH.

Để phục vụ cho phiên lấy phiếu tín nhiệm, từ trước khi khai mạc kỳ họp thứ 6, các ĐBQH đã nhận được báo cáo tự kiểm điểm của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Báo cáo này là một cơ sở để ĐBQH đánh giá.

Đến lúc này, đa số ĐBQH đều đã có "nhận diện" khá đầy đủ về những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm và sẽ thận trọng, đánh giá đa chiều để quyết định bỏ lá phiếu.

Về quan điểm cá nhân, ĐB Vũ Trọng Kim chia sẻ một số “tiêu chí” của ông khi “chấm điểm” tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đó là: Có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không?; Thể hiện trách nhiệm phục vụ nhân dân như thế nào?; Lối sống, đạo đức, mức độ nhiệt tình của người đó trong công việc ra sao?

“Mức độ nhiệt tình trong công việc ở đây là người giữ chức vụ đó có làm hết tâm huyết, hết sức mình trên cương vị được giao, hay sau khi nhận chức thì chỉ cố làm lấy lệ, cốt hoàn thành công việc của mình. Rõ rằng người làm việc nhiệt tình khác người làm lấy lệ” – ĐB Vũ Trọng Kim nói.

Một “tiêu chí” nữa được ĐBQH đoàn Hải Dương chỉ ra là xem xét phần kê khai tài sản, thu nhập của những người được lấy phiếu tín nhiệm, xem có điều gì bất thường không?, thu nhập, tài sản có vượt quá mức xứng đáng được nhận không?

“Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó nếu có chất vấn thì cần phải giải trình, cũng là tạo điều kiện cho 48 người được lấy phiếu tín nhiệm có điều kiện trình bày. Nhưng tôi chưa thấy có sự trình bày cụ thể về vấn đề này. Bản kiểm điểm của những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các ĐBQH, trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản” – ĐB Vũ Trọng Kim nói.

Theo ĐB Vũ Trọng Kim, tới đây, khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua, trong vấn đề kê khai tài sản của những người trong diện phải kê khai sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại hiện nay.