Đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm

(ANTĐ) - Hiện, TP Hà Nội còn 422 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu vực khu dân cư, trong đó có 209 cơ sở  tại các quận nội thành và thị xã Sơn Tây.

Đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm

(ANTĐ) - Hiện, TP Hà Nội còn 422 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu vực khu dân cư, trong đó có 209 cơ sở  tại các quận nội thành và thị xã Sơn Tây.

Hiện, TP Hà Nội vẫn 422 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư. (Ảnh minh họa).
Hiện, TP Hà Nội vẫn 422 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư. (Ảnh minh họa).

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay TP Hà Nội mới cơ bản hoàn thành việc xử lý 25 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó 15 cơ sở đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; 2 cơ sở đã di dời và 8 cơ sở đang được giải quyết dứt điểm.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu một số Sở, ngành liên quan nghiên cứu phương thức thực hiện các dự án di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách, cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án di dời.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thường trực có nhiệm vụ rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch của các cơ sở sản xuất công nghiệp, xây dựng lộ trình di dời các cơ sở này ra khỏi nội đô.

Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị.

Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương cung cấp thông tin quy hoạch để các doanh nghiệp nghiên cứu, lựa chọn hình thức di dời.

Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm đề xuất cơ chế, chính sách đối với các đơn vị di dời.

Còn Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp các huyện, thị xã, các công ty kinh doanh đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp rà soát, thống kê diện tích đất chưa có chủ đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; tổ chức đăng ký nhu cầu sử dụng đất cho đối tượng di dời; đề xuất phương án bố trí các cơ sở sản xuất phải di dời ngay và nhu cầu đầu tư xây dựng các khu công nghiệp.

Quốc Đô