Đẩy nhanh sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh

ANTD.VN - Chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 2-2020 diễn ra tại Hà Nội chiều 3-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. 

Đẩy nhanh sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh 1Khách du lịch nhận khẩu trang miễn phí tại các điểm tham quan ở Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú… bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó  phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.

Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về: vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ưng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Chính phủ cũng đã dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng.