Lễ hội chùa Hương 2008
Đầu tư lớn, chất lượng có tăng?
(ANTĐ) - So với mùa lễ hội năm 2007, mùa lễ hội năm 2008 được chuẩn bị kỹ lưỡng và ngay từ tháng 10-2007, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập xong Ban Chỉ đạo, BTC lễ hội chùa Hương năm 2008 với đầy đủ các tiểu ban, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh.
UBND huyện đã cấp kinh phí hơn 7 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng bến Trình (120m), đường lên xuống từ Thiên Trù lên động Hương Tích (915m), xây dựng 3 công trình vệ sinh tự hoại, 3 trạm công an trên lộ trình hành hương... Ban quản lý đầu tư chùa Hương cũng đang hoàn thành tuyến đường từ bến Trò lên sân Thiên Trù.
Tuy nhiên, vấn đề khiến BTC băn khoăn và là thực trạng tái diễn hàng năm, đó là công tác đảm bảo ANTT, chống mê tín dị đoan, vệ sinh môi trường. Ông Lê Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương năm 2008 cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với CA tỉnh, CAH Mỹ Đức lên phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn ANTT, bố trí 100 CBCS ứng trực 24/24h trên tất cả các tuyến nhằm tạo mọi thuận lợi cho du khách thập phương, tiến tới giảm thiểu và triệt tiêu tình trạng kẻ gian móc túi, gây lộn xộn trong những ngày cao điểm lễ hội. Bên cạnh đó, hệ thống hàng quán dịch vụ được bố trí ngăn nắp, thông thoáng hơn. Quy hoạch dịch vụ trong khoảng sân từ nhà bia đến Nam Thiên Môn được mở rộng ra 20m, thay vì 10m để tăng hiệu quả diện tích sử dụng. Dọc tuyến Thiên Trù lên động Hương Tích, chúng tôi bắt buộc hạn chế dịch vụ hàng quán, kiên quyết thực hiện đúng mốc giới, đặc biệt trước cổng động Hương Tích sẽ không bố trí hàng quán, tạo điều kiện cho du khách ra vào thuận lợi. Theo BTC, mùa lễ hội năm nay sẽ tăng lên 3.617 thuyền đò được gắn biển kiểm soát để tránh tình trạng “cháy” đò như mọi năm, tuyệt đối không để xuất hiện tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách.
Một vấn đề khác thường xuyên xảy ra tại các lễ hội mùa xuân là công tác vệ sinh môi trường. Để phục vụ mùa lễ hội chùa Hương năm 2008, suối Yến đã được nạo vét sạch sẽ; đội công nhân thu gom được bố trí suốt dọc các tuyến để thu gom rác thải nhanh và sạch hơn. Nhưng theo BTC, hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách hành hương cần được đẩy mạnh và cần có chế tài xử phạt nặng nếu du khách cố tình vứt rác, vi phạm di tích. Suốt các tuyến hành hương, các bảng, biển tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự đối với du khách và nhân dân địa phương đã được lắp đặt ở các vị trí bắt mắt, hy vọng khách thập phương sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ di tích, sạch đẹp.
Tất nhiên, với sự đầu tư và chuẩn bị như thế, cộng với việc giá cả tăng, chắc chắn, mùa lễ hội năm 2008, giá vé thắng cảnh, phí đò ở các tuyến trong khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn sẽ tăng. Theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành thu và quản lý sử dụng một số loại phí trên địa bàn tỉnh, trong đó có danh lam thắng cảnh chùa Hương, sẽ áp dụng mức giá vé cả với du khách trong và ngoài nước: Đối với người lớn, điều chỉnh từ 22.500 đồng/lần/người lên mức 29.500 đồng/lần/người; đối với trẻ em, điều chỉnh từ mức 11.250 đồng/lần/người lên mức 14.500 đồng/lần/người.
Mức quy định trên chưa bao gồm phí bảo hiểm 500 đồng/lần/người. Tuyến Hương Tích, điều chỉnh từ mức 20.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra) lên mức 25.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra); tuyến đi Long Vân điều chỉnh từ mức 10.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra) lên mức 15.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra); tuyến Tuyết Sơn điều chỉnh từ mức 10.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra) lên mức 15.000 đồng/người/2 lượt (vào, ra). Điều này đồng nghĩa với công tác quản lý, tổ chức, chống thất thoát vé phải đặt lên hàng đầu. Bởi tăng giá vé thắng cảnh, phí đò song chất lượng tổ chức, quản lý không tốt hơn, thì thành công của lễ hội dài nhất nước luôn tiếp đón khoảng 1 triệu du khách hành hương mỗi năm, sẽ khó trọn vẹn.
Đức Thiện