Đầu tư cho di tích văn hóa không bằng làm 1km đường sắt trên cao

ANTD.VN - Đạo đức, văn hóa xuống cấp; sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn quá nhỏ so với tầm vóc, vai trò của nó đối với đời sống kinh tế xã hội, là vấn đề được nhiều đại biểu trăn trở, đặt ra trước Quốc hội trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội ngày 25-5.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng xã hội còn nhiều bất an từ gia đình đến trường học mà nguyên nhân sâu xa nằm ở văn hóa. "Chúng ta đã quan tâm đến văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế chưa? Sự đầu tư cho văn hóa ở đây không chỉ về tài chính mà còn là tâm sức, trí tuệ, nhân lực, nhận thức", ông Hưng nêu vấn đề.

Dẫn ý kiến cử tri, ông Hưng phản ánh, khu di tích Thành nội Huế được đầu tư nhiều nhất. Tuy nhiên trong 18 năm qua chỉ có 1.480 tỷ đồng, chưa bằng một km đường sắt trên cao; tương tự như vậy, đầu tư cho nhiều di tích văn hóa không bằng đầu tư cho 1,5 km đường ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM).

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trăn trở: "Chúng ta đã quan tâm đến văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế chưa?"

Cũng theo ông Hưng, những giả dối, lừa đảo như hàng giả, bằng giả, thực phẩm giả… đang làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và quốc tế. Sự thiếu hiểu biết về thói quen, hành vi vô văn hóa trong giao thông, kinh doanh… đã gây ra thiệt hại, tổn thất to lớn cả về vật chất, uy tín của đất nước. 

"Câu chuyện rau hai luống, lợn hai chuồng; lấy than tre làm thuốc chữa ung thư… vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng đầu độc cả đồng bào mình", chỉ ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đặt câu hỏi: Nguyên nhân sâu xa có phải do văn hóa con người, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa công sở của chúng ta còn có nhiều bất cập? 

Cùng chung trăn trở này, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng việc phát triển kinh tế của ta chưa song hành cùng phát triển văn hóa, vì vậy đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm vấn đề này, tăng cường hơn nữa việc dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập.

Theo ông Công, đây là yêu cầu bức xúc hiện nay khi đạo đức con người trong gia đình và ngoài xã hội đang bị xói mòn, bị rạn nứt, tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn trong xã hội, bởi: "Kinh tế có phát triển đến đâu đi chăng nữa mà chúng ta không quan tâm kiến tạo, giữ gìn đạo đức, hình ảnh của con người Việt Nam thì chúng ta tự đánh mất chúng ta, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa!".

“Nếu làm tốt được vấn đề này, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, khắc phục được bệnh vô cảm, giảm bớt đi các tệ nạn xã hội, việc quản lý nhà nước sẽ nhẹ nhàng hơn”, đại biểu Lưu Thành Công nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận sẵn sàng đầu độc đồng bào mình, mà nguyên nhân sâu xa là do văn hóa, đạo đức xuống cấp

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, thực trạng hiện có một số chương trình quảng cáo, phim ảnh truyền thống, một số hình ảnh phản cảm, tranh cãi vô bổ, trái thuần phong đang tồn tại. Từ đó tác động xấu đến truyền thống, đạo đức xã hội, việc hình thành đạo đức xã hội, việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ, cần phải quyết liệt chấn chỉnh.

Ông Bình cho rằng việc cấp phép lưu hành tác phẩm nghệ thuật còn nặng thủ tục hành chính, song cũng lưu ý cần thận trọng để không phải tác phẩm nào cũng được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cần chấn chỉnh các cuộc sắc đẹp, không phải cơ quan nào cũng có thể đứng ra tổ chức.

Để giải quyết những bất cập liên quan tới văn hóa đang đặt ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Chính phủ có chương trình hành động cụ thể về văn hóa, thể thao trong thời kỳ mới, nhằm làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, vì sự bình an của xã hội, vì hạnh phúc sức khỏe, vật chất tinh thần của nhân dân.