Đâu phải... chia bánh

(ANTĐ) - So với gói “giải cứu” kinh tế của Mỹ 700 tỷ USD, của Trung Quốc hơn 580 tỷ USD, của Hàn Quốc 15 tỷ USD, 1 tỷ USD của Việt Nam quả thật như “muối bỏ bể”. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi ngân sách đã và đang thâm hụt lớn (tính theo GDP và nguồn thu sắp tới giảm nhiều do thu hẹp hoạt động kinh tế và chính sách hạ thấp thuế suất).

Đâu phải... chia bánh

(ANTĐ) - So với gói “giải cứu” kinh tế của Mỹ 700 tỷ USD, của Trung Quốc hơn 580 tỷ USD, của Hàn Quốc 15 tỷ USD, 1 tỷ USD của Việt Nam quả thật như “muối bỏ bể”. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi ngân sách đã và đang thâm hụt lớn (tính theo GDP và nguồn thu sắp tới giảm nhiều do thu hẹp hoạt động kinh tế và chính sách hạ thấp thuế suất).

Con số 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng) chiếm khoảng hơn 1% GDP, so với nước nghèo như Việt Nam, đâu có nhỏ. Khi nguồn tiền trong nền kinh tế còn eo hẹp, thì việc Chính phủ huy động 17.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc phải lấy đi cơ hội sử dụng 17.000 tỷ đồng của các đối tượng nào đó trong nền kinh tế. Việc tiêu 1 tỷ USD như thế nào thật không đơn giản. Đâu phải như chia một chiếc gato sinh nhật.

Đâu phải cứ đổ 1 tỷ USD vào các dự án, tài trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp hoặc hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động. Nếu không tính toán chi ly, công tâm và minh bạch, các doanh nghiệp Nhà nước vốn được ưu ái nhiều, rất dễ chắc mẩm rằng, trong “chiếc bánh” này mình sẽ được chia phần to. Các Bộ, ngành cầm trịch “chia sẻ” vô hình trung trở thành nơi ban phát phần bánh. Nếu như thế thì 1 tỷ hay nhiều tỷ USD cũng trở nên nhỏ bé và không “rót” được đúng nơi cần.

Chi tiêu gói kích cầu phải tạo ra được giá trị thật sự cho nền kinh tế đang đình trệ, suy giảm. Nếu không, theo các chuyên gia kinh tế, rất có thể nó sẽ biến thành một “khối” kích hoạt cho lạm phát cao quay trở lại. Việc sử dụng số tiền 1 tỷ USD không nên “rót” cho các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ hay đang chìm ngập trong nợ nần.

Ngay cả khi Chính phủ có chính sách rõ ràng để hướng tới sự công bằng với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, thì việc phân bổ cũng khó tránh khỏi sự “cảm tính, cảm tình” và theo mối quan hệ. Nếu gói tiền này được phân bổ theo hướng chỉ để giảm nhẹ các khoản nợ và tạo ra ngân sách “mềm”, thì vô tình đã rơi vào tình cảnh “đi vay để trả nợ”. Một chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, gói kích cầu 1 tỷ USD cần phải được “rót” đúng đối tượng và phải có trọng tâm.

Ba “điểm huyệt” cần phải kích mạnh là: Lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tiếp cận vốn tốt hơn; hỗ trợ về mặt xã hội cho người thu nhập thấp, người nghèo (kích cầu tiêu dùng); phát triển một số dự án kết cấu hạ tầng. Có ý kiến lo ngại rằng, đối tượng được hưởng “phần bánh” 17.000 tỷ đồng có thể sẽ không rơi vào đúng chỗ. So với GDP của nước ta hàng năm khoảng 80 tỷ USD, thì 1 tỷ USD chỉ chiếm khoảng 1,1% GDP.

Tuy không thấm vào đâu, song nó là tiền từ nguồn ngân sách, vay từ dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nói ngắn gọn là lấy túi này bỏ sang túi kia, nếu không giám sát việc sử dụng hiệu quả thì “giải cứu” chẳng “cứu” được gì. Bởi thế, đối tượng cần kích cầu là đầu tư vào kết cấu hạ tầng và hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương, không tự xoay xở được.

Khác với các gói kích cầu trước kia, lần này hướng kích thích các dự án có ảnh hưởng kinh tế xã hội cao. Bản chất gói kích cầu có tính thời điểm, sau khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì sẽ ngừng lại. Do vậy, theo đề xuất của các nhà kinh tế, thời gian kích cầu chỉ nên kéo dài hai năm là cùng. Đối tượng được hưởng lợi nên là những nhóm bị “tổn thương” nhiều nhất do suy thoái kinh tế và không nên chia phần như cắt “bánh”.

Đan Thanh