Thực phẩm bẩn từ “gốc” (2)

Đầu độc lâu dài, nhưng thiếu chế tài xử lý

ANTĐ - Không chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước nhập chui hóa chất độc hại từ nước ngoài về chế biến thực phẩm, cảnh sát còn phát hiện nhiều cơ sở mua “công nghệ”, dây chuyền sản xuất đồ ăn từ Trung Quốc, thuê người ngoại quốc điều hành, đứng máy, tạo điều kiện cho họ độn nguyên liệu, phụ gia “bẩn” vào đồ ăn.

Đầu độc lâu dài, nhưng thiếu chế tài xử lý ảnh 1
Hàng tấn lợn mắc dịch bệnh tai xanh được chế biến thành “đặc sản”
nhưng đối tượng mua bán chỉ bị phạt vi phạm hành chính

“Chuyên gia” Trung Quốc chế thực phẩm bẩn

Theo Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an: không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn trong nước lén lút “độn” hóa chất độc hại “đầu độc” người tiêu dùng, lực lượng chức năng mới đây còn phát hiện 3 cơ sở sản xuất Bim Bim tại Hà Nội, thuê “chuyên gia” người Trung Quốc đến hướng dẫn pha chế công thức, vận hành máy móc sản xuất thực phẩm “bẩn”.

Quá trình kiểm tra 3 cơ sở này, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội phát hiện các “chuyên gia” người Trung Quốc sản xuất Bim Bim bằng nhiều loại phụ gia “xách tay”, không nhãn mác, không qua kiểm định chất lượng. Sản phẩm khi ra lò có mùi ngai ngái, hắc, khó ngửi. Giám định chất lượng các mẫu Bim Bim này, lực lượng chức năng phát hiện có thành phần đường Cyclamate (không nằm trong danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm). Liên quan đến vụ việc này, Đại tá Trần Trọng Bình cho hay, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã kiến nghị UBND TP Hà Nội, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng, cần có biện pháp mạnh tay xử lý 3 cơ sở trên không để đối tượng chế thực phẩm bẩn tìm thuê những địa điểm bí mật khác để tiếp tục sản xuất.

Không chỉ đối mặt với các món ăn bị tẩm ướp hóa chất, chế biến từ thực phẩm ôi thiu, người tiêu dùng rất hoang mang khi hàng loạt các loại đồ uống nước ngọt, rượu champagne, rượu vang, cà phê bị phát hiện làm giả, sản xuất hoàn toàn từ các hương liệu tạo mùi, chất cấm. Gần đây nhất là vụ phát hiện 6 cơ sở sản xuất cà phê giả tại TP Hồ Chí Minh. Theo Đại tá Trần Trọng Bình, quá trình điều tra, ghi lời khai chủ cơ sở, cơ quan công an xác định 100% cà phê xuất xưởng tại đây đều là giả. Bằng công thức pha - độn phụ gia tinh vi, chủ các cơ sở này đã biến hàng chục tấn hạt đậu tương thành hạt cà phê trong một thời gian dài nhưng không hề bị phát hiện. Để đậu tương có hương vị cà phê, các cơ sở này cho thêm chất tạo sánh, tạo bọt, tạo màu, mùi và đường cấm sử dụng trong thực phẩm. Với mánh khóe tinh vi này, 6 cơ sở đã tiêu thụ trót lọt 36 tấn cà phê giả tại thị trường các tỉnh phía Nam.  

Cần xử lý hình sự

Phát biểu tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật trong đấu tranh PCTP và vi phạm về ATVSTP của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường” vừa được tổ chức, lãnh đạo nhiều Vụ, Cục, Học viện trực thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, Chi cục QLTT Hà Nội... đều thống nhất, thực trạng vi phạm về ATVSTP gia tăng, “nóng” như thời gian qua, một phần do chế tài chưa nghiêm. Pháp luật hiện hành lại quy định, tội này chỉ áp dụng với những đối tượng cố ý vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh từ vùng có dịch ra nơi không có dịch. Tại thời điểm cơ quan công an phát hiện vụ việc trên, địa phương nơi đối tượng sinh sống đã có lợn chết, nhưng chính quyền nơi đây có dấu hiệu “giấu dịch”, không công bố dịch nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý được đối tượng, mà chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính - đại diện Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay.

Theo Đại tá, PGS-TS Trần Vi Dân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an: Để đảm bảo tốt ATTP, các quốc gia trên thế giới luôn áp dụng hệ thống giải pháp đồng bộ, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Ở nước ta, pháp luật về ATTP là vấn đề mới được quan tâm trong thời gian gần đây và chủ yếu ở góc độ nhận thức, văn bản.

Theo đánh giá của Đại tá Trần Vi Dân, chế tài xử lý vi phạm về ATTP ở Việt Nam hiện chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định các hành vi vi phạm ATTP, tuy nhiên muốn khởi tố, bắt đối tượng đầu độc người tiêu dùng thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi của họ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, đa phần những chất độc được “độn” vào thực phẩm không tác dụng ngay mà sẽ ảnh hưởng lâu dài, gây các bệnh hiểm nghèo. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân mỗi năm hàng nghìn vụ vi phạm ATVSTP được phát hiện, song không có vụ nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vi phạm được đánh giá... rất nghiêm trọng.