Dấu ấn lịch sử tại ngôi nhà số 6 Hàng Đào trong mùa thu cách mạng

ANTĐ - Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, tôi lại được gặp bà Hoan Thủy (tức Từ Ngọc Hoan) trong cuộc gặp mặt cựu Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Cho đến thu này, theo lời bà chỉ dẫn, tôi đến ngôi nhà bà nằm sâu trong ngõ 158/193 phố Ngọc Hà. Hóa ra bà chính là em gái bà Từ Ngọc Trang (Từ Trang Anh), người diễn thuyết trên quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17-8-1945. Và ngôi nhà số 6 Hàng Đào của gia đình bà tối hôm ấy đã diễn ra cuộc họp bàn và viết bài tường thuật nóng hổi về cuộc mít tinh, tuần hành để chuyển sang tòa soạn, kịp đăng trên Báo Tin mới ra ngày 18-8-1945.

Cơ sở bí mật tại cửa hàng bán vải 

Trên con phố nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội những năm 30-40 của thế kỷ XX, ngôi nhà số 6 ở kề bên ngôi nhà số 4 của cụ Cử Lương Văn Can -  người khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhà ở trên đất phát nguyên của phong trào Duy Tân, mở trường học chữ quốc ngữ, lại có cụ Cử Vân (tức cụ Lê Thụy Vân) trên phố Hàng Ngang, bạn cùng thời với cụ Cử Lương Văn Can giữ nếp ông đồ dạy học, nên con gái cụ, bà Lê Thị Diễm kết duyên với ông Từ Nguyên, vốn quê gốc ở làng Vồi, Thường Tín, đã cho các con ăn học tử tế. Con trai Từ Vị học trường Bưởi, con gái Từ Ngọc Trang và Từ Ngọc Hoan đều học ở trường Đồng Khánh. 

Những năm 1943-1944, bất chấp những con mắt cú vọ của mật thám, phòng nhì, thường xuyên theo dõi cán bộ Việt Minh, con phố tấp nập chuyên buôn bán lụa đã có khá nhiều cơ sở cách mạng tham gia ủng hộ và nuôi giấu cán bộ như ông Nguyễn Hữu Nhâm, ông Trịnh Văn Bô, ông Nguyễn Trí Uẩn… Ông Từ Nguyên cho cả 5 người con đi hoạt động Việt Minh. Ngôi nhà ống có cửa hàng bán vải ở phía trước, lại sâu hun hút rất thuận tiện cho cán bộ  dừng chân hay đến ăn nghỉ, họp bàn bí mật. 

Dấu ấn lịch sử tại ngôi nhà số 6 Hàng Đào trong mùa thu cách mạng ảnh 1

Bà Từ Ngọc Hoan, nhân chứng lịch sử của những ngày Tổng khởi nghĩa

Nhớ lại những ngày tháng thuở ấy, bà Từ Ngọc Hoan kể:  “Anh trai tôi, Từ Vị, khi  đang học trường Bưởi đã được anh Vũ Oanh giác ngộ, vào Đội Ngô Quyền gồm những học sinh yêu nước, theo Việt Minh. Từ mùa thu năm 1944, anh tôi gia nhập Thanh niên cứu quốc, hoạt động cùng với anh Nguyễn Hữu Phúc (tức Lê Đức Vân), nhà ở 46 Bát Đàn. Chị em chúng tôi nghe theo anh Vị, lúc đầu làm liên lạc, dần dần chị Trang Anh đi hoạt động, vào cả trường Hoài Đức (trường ở góc phố Hàng Trống-Bảo Khánh) tuyên truyền cách mạng cho các nữ sinh. Nhà tôi trở thành nơi cất giấu tài liệu của Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (và thường có các cuộc họp chớp nhoáng của các anh”.

Một ngày lịch sử qua lời kể của nhân chứng

Câu chuyện bà Từ Trang Anh là người lên diễn đàn trên Quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17-8, hô hào nhân dân khởi nghĩa theo sự phân công của tổ chức Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu tôi đã được nghe tại một cuộc tọa đàm của Ban liên lạc Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu từ năm 1994 và chi tiết này đã được bổ sung vào lịch sử của thành phố. Trong khi đó, câu chuyện về cuộc họp của các đồng chí ở Đội Danh dự trừ gian, Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu với Văn hóa cứu quốc tại số 6 Hàng Đào tối 17-8 để bàn thảo và quyết định nội dung tin, bài tường thuật cuộc mít tinh- diễu hành diễn ra chiều hôm đó để đăng trên Báo Tin mới thì mới chỉ được khẳng định từ chính những người trong cuộc.

Nhà văn Học Phi, trong sách Học Phi tự truyện (NXB QĐND năm 2006) đã kể rất chi tiết về sự kiện tối 17-8: Tôi về đến nhà thì đã hơn 19h. Tôi vừa tắm rửa thay quần áo ướt sũng nước mưa thì một đồng chí trong đội Thanh niên xung phong Hoàng Diệu đến mời đi họp có việc gấp. Không kịp ăn cơm, tôi đi theo ngay đồng chí ấy đến một nhà ở bên số chẵn phố Hàng Đào, mà sau đấy tôi mới biết là nhà của cô Trang, đoàn viên Thanh niên cứu quốc và là một trong 2 phụ nữ đã diễn thuyết lúc chiều trước cửa Nhà hát Lớn.

Trong nhà lúc ấy có khoảng hơn 10 người, hầu hết là đội viên Đội Thanh niên xung phong Hoàng Diệu và đội viên Đội Danh dự (A.S), một vài đại biểu của nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội và một cán bộ của Trung ương phái về liên lạc với Văn hóa cứu quốc được gọi là Mười Hương.

Mười Hương tuyên bố lý do cuộc họp là để phát huy thắng lợi của cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng lúc chiều. Sau vài phút trao đổi rất nhanh, mọi người đều đồng ý là phải đưa tin này lên báo công khai ngay, để trong nội nhật ngày mai, cả nước đều biết và phải chọn tờ nào ra sớm nhất, có nhiều người đọc nhất. Chỉ có 2 tờ nhật báo hiện đang lưu hành là tờ Tin mới và Đông Pháp… Tờ Tin mới trước đây là tờ báo tiến bộ của bác sĩ Luyện, mới bị Nhật giao cho Mai Văn Hàm. Anh em nhất trí chọn tờ Tin mới. Phải viết bài ngay để đưa đi cho kịp, không báo lên khuôn mất, nhưng ai viết? Anh em giao cho tôi. Cần phải có cái tít thật kêu để câu khách.

Tôi hạ bút viết: “Chiều qua, 17-8-1945, hơn 20 ngàn người ở Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh”… Tôi viết tiếp luôn trong hơn nửa giờ, được hơn 3 trang giấy học trò; xong tôi đọc cho mọi người nghe. Không ai có ý kiến gì thêm, vì gấp quá rồi. Thế là mang bài đi ngay. Có 3 đội viên Đội Danh dự và 5 Thanh niên xung phong bảo vệ tôi. Chỉ mấy phút sau là đến tòa soạn Báo Tin mới ở đầu phố Julien Blanc. 

Còn đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy nhớ cụ thể hơn: Tối 17-8-1945, ở nhà số 6 phố Hàng Đào, một số đồng chí Văn hóa cứu quốc, Thanh niên xung phong và Tự vệ chiến đấu đã có sáng kiến viết một bản thông báo tường thuật cuộc mít tinh và biểu tình ban chiều để đăng báo công khai. Các đồng chí Như Phong và Học Phi thảo xong bài báo thì một số anh em do đồng chí Học Phi dẫn đầu đã mang bản thảo đột nhập tòa soạn Báo Tin mới.

Nhóm vừa vào thì gặp đồng chí Trần Lâm cũng đang điều đình với người chủ báo, yêu cầu Tin mới đăng lời hô hào của Ban xung phong Dân chủ Đảng trong mặt trận Việt Minh. Đồng chí Học Phi đã thuyết phục được người chủ báo (ông Mai Văn Hàm – tác giả) chấp nhận đăng bản thông cáo vào số báo ngày hôm sau.

Sức sáng tạo của quần chúng là vô tận

 

Tôi đã gặp ông Lê Trọng Nghĩa, Cán bộ Xứ ủy phụ trách Dân chủ Đảng, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa, để tìm căn nguyên, vì sao trên Báo Tin mới ngày 18-8 đăng cả bài tường thuật cuộc tuần hành chiều 17-8 của nhân dân Hà Nội, cả “Lời hiệu triệu của Việt Minh” do cán bộ Ban xung phong Việt Nam Dân chủ Đảng đọc trước đồng bào chiều 17-8 tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ông nói rõ: Có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các ông Học Phi, ông Như Phong và ông Vận (tức Trần Lâm, người treo lá cờ trên ban công tầng 2 Nhà hát Lớn ngay khi Việt Minh lên chiếm diễn đàn, kêu gọi nhân dân khởi nghĩa) không hẹn mà gặp, lao đến tòa soạn Báo Tin mới và đã gặp nhau ở đó.

Điều này chứng tỏ, sức sáng tạo của quần chúng là vô tận. Vậy là đã rõ. Ngôi nhà số 6 Hàng Đào, chỉ cách Bờ Hồ vài bước chân đã là nơi chứng kiến thời khắc các lực lượng Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Danh dự, Văn hóa cứu quốc cùng họp bàn, thống nhất hành động mau lẹ, kịp thời ngay trong tối 17-8-1945. 70 năm đã qua, ngôi nhà số 6 Hàng Đào đã biến đổi trong đời sống đô thị, nhưng dấu ấn của sự kiện và nhân chứng góp phần đưa vận mệnh dân tộc sang trang mới, thì còn mãi trong trang sử vàng của Hà Nội về mùa thu Cách mạng.