Đào Trung Quốc "gắn mác" đào Sa Pa đổ về Hà Nội

ANTĐ - Mạo danh là đào Sa Pa (Lào Cai), quả đào Trung Quốc đang rầm rập đổ về thị trường Hà Nội, được bày bán la liệt tại các điểm kinh doanh ven đường, len lỏi khắp các chợ cóc, chợ tạm. Giá bán loại đào này cũng rất rẻ, từ 15.000-25.000 đồng/kg. 

Giá rẻ, dễ tiêu thụ

Tình trạng hoa quả Trung Quốc đội lốt hoa quả Việt Nam để lừa người tiêu dùng đã diễn ra từ lâu nhưng cơ quan quản lý còn dửng dưng. Người tiêu dùng thì không đủ kinh nghiệm cũng như thông tin để phân biệt thật- giả.

Hiện nay, đi dọc các tuyến phố, các chợ, người Hà Nội sẽ dễ dàng tìm thấy loại đào được người bán “gắn mác” đào Sa Pa, loại quả vốn rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Một chủ cửa hàng bán hoa quả ở chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng đon đả: “Đào Sa Pa đấy em, giòn và ngọt lắm, giá 25.000 đồng/kg thôi”.

Thấy người mua còn nghi ngại, hỏi lại liệu có phải đào Trung Quốc nhập về, chị bán hàng xua tay: “Mùa này đào Sa Pa đưa về xuôi chất đống ở chợ Long Biên, sao phải nhập từ Trung Quốc. Đào Trung Quốc là loại quả to như quả cam, đỏ hồng, mã rất đẹp, chứ loại đào quả nhỏ này là đào trên các tỉnh vùng cao đưa về”. 

Đào Trung Quốc "gắn mác" đào Sa Pa đổ về Hà Nội ảnh 1

Người bán luôn khẳng định là đào Sa Pa, nhưng hầu hết là đào Trung Quốc
Ảnh: Thuần Thư

Dọc đường 32, đoạn qua Mai Dịch, chợ Diễn, giá bán “đào Sa Pa” còn rẻ hơn, chỉ từ 15.000-17.000 đồng/kg. Anh Mã, một người chuyên bán hoa quả rong cho hay: “Loại đào mỏ quạ này ngọt và giòn, giá lại rẻ nên rất được ưa chuộng. Đặc biệt là sinh viên, người lao động có mức thu nhập thấp”. Mỗi ngày, anh Mã tiêu thụ khoảng 40-50kg “đào Sa Pa”. Theo những người bán hàng, toàn bộ “đào Sa Pa” được mua buôn từ chợ Long Biên. Từ sáng sớm, những người buôn bán nhỏ lẻ như anh Mã đã phải lên chợ Long Biên để nhận hàng. 

Phần lớn là đào Trung Quốc

Mặc dù hầu hết người bán hàng đều khẳng định là “đào Sa Pa”, được trồng tại một số tỉnh miền núi nhưng theo tìm hiểu, phần lớn lượng đào đang bán trên thị trường Hà Nội hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai khẳng định, đào “gắn mác” đào Sa Pa đang được bán nhiều tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thậm chí tận TP.HCM hiện nay hầu hết là đào Trung Quốc. “Mùa đào ở Lào Cai đã thu hoạch từ tháng 5, giữa tháng 6 đã hết vụ”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay. 

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai, trên thực tế, giống đào được trồng ở Lào Cai chủ yếu là đào Pháp có tổng diện tích chỉ 300ha, với khoảng 150.000 gốc. Còn giống đào truyền thống do cuối năm hay đốn cành, đánh gốc đưa về xuôi chơi Tết nên không còn nhiều, chỉ khoảng 360ha nằm rải rác ở các huyện như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương.

Để phục hồi lại diện tích đào, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai đã có chủ trương nhập giống đào Pháp về trồng tại Sa Pa và Bắc Hà để tạo nguồn thu cho bà con sở tại, do những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ đào, lê ở Việt Nam ngày càng lớn.

“Chất lượng đào Trung Quốc không thể so sánh được với đào Sa Pa – Lào Cai. Mặc dù đào Trung Quốc quả to, bắt mắt hơn nhưng ăn xốp và nhạt, còn đào Sa Pa quả nhỏ nhưng thơm, giòn và ngọt nên giá bán luôn cao hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay. 

Tại chợ Long Biên, chị Huyền, một tiểu thương buôn bán lâu năm thông tin: “Khi hàng hóa về đến chợ Long Biên luôn còn nguyên thùng, nhãn mác. Tuy nhiên, sau khi những người buôn bán nhỏ đến lấy về bán cho người tiêu dùng thường bỏ hết thùng, nhãn mác đi để “gắn mác” hoa quả nội. Vì những năm gần đây, người tiêu dùng có phần kiêng dè với hoa quả Trung Quốc”. 

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch  thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chưa thống kê chính thức số lượng đào mà doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn nhưng ước số lượng tương đối nhiều. Chi cục kiểm dịch vẫn lấy mẫu kiểm tra, test nhanh, đồng thời đưa về phân tích chất lượng tại Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng tại Hà Nội nhưng chưa phát hiện dấu hiệu mất ATTP.

Tại khu du lịch Sa Pa – Lào Cai, hiện nay, đào cũng được bán rất nhiều cho khách du lịch, những người bán đều giới thiệu là đào Sa Pa, Bát Xát nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, đó cũng là đào Trung Quốc, đưa từ TP Lào Cai lên để bán cho khách du lịch.