Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tránh tràn lan

(ANTĐ) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là giải pháp trong bối cảnh đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp. Tuy nhiên, dạy nghề gì để thu hút nông dân đi học, để thoát nghèo lại là vấn đề trăn trở bấy lâu của các bộ, ngành và địa phương.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tránh tràn lan

(ANTĐ) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là giải pháp trong bối cảnh đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp. Tuy nhiên, dạy nghề gì để thu hút nông dân đi học, để thoát nghèo lại là vấn đề trăn trở bấy lâu của các bộ, ngành và địa phương.

70% có việc làm

Năm 2010, năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo chính sách của Chính phủ, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 300.000 LĐNT, trong đó khoảng 40% là các lớp dạy nghề nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2010, Bộ đã lựa chọn danh mục 25 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp để xây dựng chương trình, tài liệu..

Việc cấp thẻ học nghề nông nghiệp, đến nay đã có 62 đơn vị, thuộc 20 tỉnh, thành phố đăng ký đào tạo 85 nghề với 638 lớp cho 12.885 LĐNT. Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến, năm 2011 kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm được phân bổ là 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm nay sẽ hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 LĐNT, đặc biệt đảm bảo ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Hiện, 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo đề án và chọn huyện điểm, xã điểm để chỉ đạo triển khai, đảm bảo mục tiêu gắn chặt nhu cầu học nghề với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho LĐNT.

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại 63 tỉnh, thành phố đều triển khai các lớp dạy nghề theo mô hình mẫu, gắn dạy nghề với tiêu chí giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu cho LĐNT.

Trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2010, số lao động đã qua đào tạo khoảng 630.000 người, trong đó 136.000 lao động được giải quyết việc làm, chủ yếu là LĐNT. 

Gắn với nhu cầu xã hội

Nằm trong chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã và đang phối hợp với Tổng cục Dạy nghề triển khai các chương trình truyền nghề cho lao động tại các địa phương, trong đó đáng chú ý là mô hình xây dựng Làng nghề mới. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hiện đang triển khai 3 mô hình đào tạo phát triển các đơn vị làng nghề như mỗi làng một sản phẩm; gắn với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao các trình độ lao động của người LĐNT đưa ra sản phẩm cao và năng suất lao động cao hơn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Mô hình được triển khai sẽ đồng thời giải quyết được bài toán thiếu nhân lực cho các làng nghề và góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho LĐNT.

Tuy nhiên, để đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả, cần điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực trong các ngành, các vùng kinh tế và từng địa phương. Theo ông Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc bộ, việc nắm nhu cầu sử dụng lao động phải đi trước một bước, phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau để kịp thời bổ sung thông tin nhu cầu về những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp. Bởi nhu cầu sử dụng lao động chính là đầu ra của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì, ở trình độ nào.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải lựa chọn nghề học cho phù hợp, xã nào, huyện nào có lợi thế nghề gì thì dạy cho nông dân nghề đó, tránh đào tạo nghề tràn lan, không phát huy hiệu quả. Đào tạo nghề cho LĐNT là con đường có hiệu quả nhất, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, hoàn thiện xây dựng chương trình NTM tại các địa phương.

Hải Dương