Đào, quất sẽ khan hiếm trong dịp Tết Kỷ Sửu
(ANTĐ) - Những cây đào đang bắt đầu héo rũ, rụng lá, những luống quất Tết cũng không chịu nổi nước ngâm ròng rã, lá đã ngả màu vàng, cây có biểu hiện chết dần. Tết Kỷ Sửu 2009, Hà Nội sẽ khan hiếm đào và quất. Mảnh đất Nhật Tân, nơi làm nên Bích đào nổi tiếng cũng đứng trước nguy cơ mất thương hiệu do trận ngập lụt vừa qua.
Phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có 1 gốc đào thế đẹp |
10 tháng chăm đào thành không công
Khi diện tích trồng đào, quất cảnh ở Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ) nhường đất cho các khu đô thị mới, thì làng đào La Cả-Dương Nội (TP Hà Đông) đã trở thành làng trồng đào lớn nhất Hà Nội. Không những vậy, nhiều năm trở lại đây, trồng đào mang lại lợi ích kinh tế khá lớn, nên người dân đã mở thêm diện tích trồng đào, bởi vậy La Cả trở thành một trong những làng trồng đào lớn nhất nhì miền Bắc.
Chúng tôi tìm đến làng đào Nhật Tân, Phú Thượng, nước đã rút, chỉ còn xâm xấp dưới rãnh luống, nhưng điều này không có nghĩa đào, quất đã thoát nạn hồng thủy. Bởi, lá đào bắt đầu rũ, sau vài ngày gặp nắng lá đã trút kín gốc, cây đang héo khô. Người trồng đào Nhật Tân, Phú Thượng vẫn ra sức cứu cây, không để Bích đào Nhật Tân vắng mặt trên thị trường đào Tết năm nay. Người dân khơi nước chảy ra hồ, ao, xới lại luống để làm giảm độ ẩm của đất.
Chị Nguyễn Thị Oanh ở Nhật Tân tâm sự: “Nhà tôi trồng hơn 300 gốc đào, trong đó gần 100 gốc đào thế, những ngày mưa lớn nước ruộng đầy lên mà mưa liên miên không dứt, nhìn ruộng đào bị ngập nước mà ruột nóng như lửa đốt. Cũng may là khu vực này khá cao, nước rút nhanh, mấy hôm nay cả nhà tập trung cứu đào”. Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, khoảng 90 ha trồng đào, quất trên địa bàn quận bị úng ngập. Trong đó, 70% có thể hoàn toàn mất trắng.
Không may mắn như làng đào Nhật Tân, Phú Thượng, làng đào La Cả do nằm ở khu vực trũng hơn, nên hầu hết diện tích trồng đào, quất cảnh vẫn đang bị bao vây bởi nước lụt. Mặc dù, nước đã rút đến lưng cây, nhưng do không chịu được nước ngâm, lá đào cũng đã héo rũ, theo người trồng đào nơi đây, sau 2-3 ngày nắng lên, toàn bộ lá sẽ trút hết, cây đào sẽ bị khô và chết.
Ông Nguyễn Hữu Tựu, thôn La Nội, Dương Nội cho biết: “Mấy hôm trước, toàn bộ cánh đồng trồng đào của cả làng còn chìm nghỉm trong nước, chỗ nào cao cũng chỉ còn nhô được vài ngọn cây phất phơ. Hôm nay, nước đã rút quá nửa rồi đấy”. Theo ông Tựu, kể từ khi La Cả trồng đào Tết đến nay, chưa năm nào nước lụt ngập kinh hoàng như vậy. Hiện bốn bề sông nước vẫn đầy, do đó nước trong đồng chưa thể rút ra ngoài được, đào sẽ còn phải ngập thêm vài ngày nữa.
10 năm nữa mới có đào thế đẹp
Ngổn ngang giữa ruộng đào còn ngập nước, ông Tựu cho biết thêm: “Nước ngập 3-4 ngày đào đã chết, nhưng đến nay ngập đã 10 ngày rồi, đào không hề ưa nước, sau đợt này sẽ chết hết. Quan trọng hơn, phải gây dựng lại vườn đào từ đầu”.
Người trồng đào tại La Cả, Phú Thượng và Nhật Tân ngoài mất trắng vụ đào Tết năm này, đáng ngại hơn, khi cây đào đã chết chỉ còn biết nhổ về làm củi đun, muốn gây dựng vườn đào phải làm lại từ đầu. Đặc biệt, đào thế phải mất ít nhất từ 8-10 năm mới trồng được một cây đẹp.
Ông Tựu lo lắng: “Vùng nào còn cây đào sống sót qua trận này thì sẽ đỡ tốn thời gian trồng lại hơn, họ sẽ lấy luôn mắt, cành để ghép. Còn những vùng đã hỏng hết thì buộc phải gieo hạt”. Ông xót xa: “Đào thế là giống kỳ công nhất, muốn có một cây đào thế có giá trị phải tốn công sức và thời gian, có khi mất đến 15-20 năm mới tạo được một cây đào thế đẹp.
Bên cạnh công sức, thời gian để gây dựng lại một vườn đào, trước mắt, đào chết cũng đồng nghĩa, tiền của của người trồng đào cũng trôi theo nước lũ. Anh Nguyễn Tiến Quỳnh, thôn ỷ La cho biết: “Không giống như trồng các cây rau màu khác, một năm cho thu hoạch mấy vụ, người trồng đào cả năm chăm bón chỉ hy vọng vào mỗi cái Tết. Chỉ còn vài tháng nữa là cho thu hoạch, thế mà một trận mưa đã cuốn trôi tất cả”.
Thiệt hại lớn nhất là những hộ trồng đào thế cổ thụ. Trung bình một cây đào thế có giá 6-7 triệu đồng, cây non tuổi cũng có giá 1-2 triệu đồng. Anh Quỳnh nhẩm tính: “Ruộng đào nhà tôi có hơn 100 gốc, nếu bán rẻ cũng khoảng 2 triệu/gốc, như vậy, trận mưa đã lấy của gia đình ngót 200 triệu đồng”. Chỉ tay về cánh đồng đào, anh cho biết thêm: “Ngoài kia có những gốc đào thế giá trị tới 10 triệu đồng/gốc, Tết năm ngoái, giới buôn cây cảnh và người chơi đào từ khắp các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh... về tận vườn hỏi mua mà không bán. Giờ thì thành củi đun hết”.
Theo ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Nội, La Cả có 2.250 hộ trồng đào với diện tích khoảng 105ha. Song, thống kê đến thời điểm này, khoảng 70% diện tích đào đã bị chết do trận mưa lụt vừa qua. Mặc dù còn khoảng 30% diện tích đào sống sót, nhưng theo ông Sơn cũng “không ăn thua”, bởi không thể “lái” cho đào nở hoa vào đúng dịp Tết được, hoặc chất lượng hoa sẽ giảm đi rất nhiều.
Hàng loạt vựa đào, quất lớn ở Gia Lộc (Hải Dương), Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên)… cũng bị ngập úng. Diện tích đào, quất chết không hề nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa, Tết Nguyên đán năm nay, đào quất trên thị trường sẽ khan hiếm. Thậm chí, như lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói, Tết năm nay người dân có thể chỉ có mứt và bánh chưng, vì đào quất đã chết gần hết do úng ngập.
Hạ Quỳnh