Đạo làm thầy, đạo làm trò và đạo ứng xử

ANTĐ - Có lẽ, những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống và sự “va chạm” giữa con người với con người chưa bao giờ thôi ngừng nghỉ, và tuần qua nó lại được “nóng” lên khi nó chạm đến một vấn đề rất lớn về đạo thầy - trò. 
Đạo làm thầy, đạo làm trò và đạo ứng xử  ảnh 1

Báo chí, truyền thông, diễn đàn, cộng đồng mạng “mổ xẻ” đến kiệt cùng về đạo làm thầy, đạo làm trò và đạo ứng xử. Có theo dõi thì mới thấy sự phản hồi của dư luận buồn nhiều hơn vui, lo lắng nhiều hơn là luận xem ai đúng ai sai, ai phải ai trái… Câu chuyện được bắt đầu bằng cuộc cãi vã giữa một cô giáo của một trung tâm luyện thi ngoại ngữ tự xưng là “cung Bọ Cạp” và 2 học viên được cô giáo khẳng định là sinh viên của Học viện Bưu chính Viễn thông. Tất cả cuộc “đối đầu” ấy được quay lại và clip được “tung” lên mạng.

Chẳng biết đã có biết bao nhiêu người đã xem, nhưng có lẽ là rất, rất nhiều. Tôi tin bất kỳ ai sau khi xem hết sẽ đọng lại nhiều suy nghĩ ngổn ngang về giá trị của đạo đức trong cuộc sống hiện nay; bởi câu chuyện đã không chỉ dừng lại giữa 1 cô giáo và 2 học trò mà nó đã vượt lên trên bao hàm cả một vấn đề xã hội. Câu chuyện có lẽ sẽ vô cùng đơn giản nếu con người ta ngồi lại với nhau, ứng xử ôn hòa và giải đáp những thắc mắc cho nhau về cái bé tẹo teo về “sự bất cập trong bố trí lịch học”.

Nhưng không, cô giáo thì “không quan tâm” vì cô cho rằng không phải việc của cô, rồi mắng học sinh là “vô học”, rồi trò thì vô lễ giật giấy tờ trong tay cô giáo, thế là câu cửa miệng đẹp đẽ “dạ, thưa thầy, thưa cô, các em, em” được chuyển hóa thành “mày - tao” để khẩu chiến: “Tao không bao giờ quên nhé, tao là “cung Bọ Cạp” nhé, tao nói cho mày biết, mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao”… Vậy đó! 

Chuyện gì đang diễn ra vậy? Tại sao cô trò lại giao tiếp với nhau bằng ngôn từ vào thái độ kinh khủng vậy? Lại thêm một lần nữa, mối quan hệ thầy - trò vốn thiêng liêng, được xã hội coi trọng và đề cao một lần nữa bị chính những người trong cuộc giày xéo, bóp vụn. Nhìn từ câu chuyện buồn trên người ta lại thêm một lần nữa hoài nghi về đạo làm thầy, đạo làm trò và đạo ứng xử. Sự ngờ vực cũng có cái lý của người ta, bởi trước khi làm thầy, làm cô hẳn cũng từng làm trò, vậy nhân cách của người thầy cô cũng phải được vun đắp và xây dựng từ những năm tháng ấy.

Để rồi một ngày mang trên mình sứ mệnh lái con tàu tri thức để truyền dạy tri thức cho các em càng phải thấm và thấu hiểu vị trí của mình, dù trong hoàn cảnh nào vì hơn cả phải dạy các em cách làm người. Nếu những gì diễn ra trong clip thì thử hỏi các em sẽ hấp thụ được gì? Và đó là cốt lõi khi sự việc bị đẩy đi rất xa, và kết quả có ngay chứ không cần đợi thì tương lai khi trò phản ứng tức thì một cách vô lễ.

Theo truyền thống nghìn đời nay của dân tộc ta, cha mẹ - thầy cô, gia đình - nhà trường là một mối quan hệ gắn bó mật thiết và đó chính là cái gốc để xây đắp nhân cách cho các em, là tấm gương sáng phản chiếu để các em soi vào để học tập, noi theo và vươn lên, vào đời với nhân cách của một người tử tế. Vậy nên đừng làm gì hay đẩy mọi chuyện đi quá xa, mất sự kiểm soát ngay từ chính hành vi của mình để rồi phản chiếu lại là những hệ quả xấu xí, méo mó. Mong rằng nỗi buồn sư phạm và những câu chuyện đau lòng về đạo thầy trò sẽ không còn lập lại như vậy nữa!