Hạ nhiệt thị trường bất động sản:
Đánh thuế lũy tiến, quy định hạn mức sở hữu nhà
(ANTĐ) - “Quy định hạn mức sở hữu nhà ở; đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định; thu hồi các dự án chậm triển khai; xử lý kiên quyết các trường hợp đầu cơ nhà đất, trốn lậu thuế...” - Đó chỉ là số ít trong “số” giải pháp tổng thể để quản lý thị trường bất động sản trong thời gian tới.
“Sốt” đất tác động xấu đến xã hội
Sẽ có những biện pháp" ghìm cương" thị trường bất động sản |
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường bất động sản, việc các cơn sốt nhà đất liên tục xảy ra trong năm 2007 và đầu năm 2008 đã cho thấy hoạt động của thị trường này bộc lộ những mặt yếu kém, phát triển thiếu ổn định. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung gần đây bị hạn chế, công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, giá đầu vào (vật liệu, nhân công...) tăng cao cũng như sự tác động của thị trường tài chính, tiền tệ... Tại những khu vực có bất động sản (BĐS) tăng giá đột biến, có tình trạng nhà đầu tư găm hàng nhằm đẩy giá lên cao. Trong khi đó, chính quyền các cấp thiếu kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời tình trạng đầu cơ. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm tới việc tạo quỹ nhà cho người có thu nhập trung bình và thấp. Từ đó, tình trạng đầu cơ, đẩy giá giao dịch BĐS lên quá cao đã tác động xấu đến đời sống xã hội...
Thành lập tổ công tác về thị trường bất động sản Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường và ý kiến của các cơ quan liên quan về thực trạng tình hình thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất thành lập Tổ công tác về thị trường bất động sản để nắm tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách quản lý nhằm phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2008. |
Để giúp thị trường phát triển lành mạnh và hạ nhiệt cơn sốt giá, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo loại bỏ những quy định bất hợp lý trong Nghị định 90/CP bởi đã làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, gây khan hiếm cho nguồn cung nhà, đất; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS theo thẩm quyền... Đặc biệt, xây dựng hạn mức sở hữu nhà ở để làm cơ sở xác định thuế nhà, đất. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, không đưa vào khai thác sử dụng; nghiên cứu giảm thuế suất và lệ phí trước bạ đối với các trường hợp giao dịch, chuyển nhượng nhà, đất... Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với tất cả các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới; thu hồi các dự án chậm triển khai; xử lý kiên quyết các trường hợp đầu cơ nhà đất, mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái quy định của pháp luật, trốn lậu thuế...
Thị trường sẽ lành mạnh hơn
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện tại UBND các tỉnh, thành phố gần như bỏ trống không kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, nâng giá xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, một trong nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường hiện nay là do đa số các địa phương chưa quan tâm tới việc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho một số đối tượng thu nhập thấp thuê hoặc thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở. “Hầu hết các dự án đều nhắm đến đối tượng khách hàng có tiền, suất đầu tư lớn, căn hộ cao cấp trong khi 70-80% dân số có thu nhập trung bình và dưới trung bình” - ông Hà nói. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng đưa ra một số những quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. “Đặc biệt cần phải quy định tiêu chuẩn, định mức suất đầu tư tại các dự án nhà. Dứt khoát sẽ có quy định thống nhất việc chủ đầu tư phải đầu tư các loại căn hộ khác nhau để phục vụ nhu cầu của các đối tượng khác nhau trong cùng một dự án.” - ông Hà nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng, sau nhiều năm đóng băng, thị trường BĐS chỉ mới hồi phục trong năm 2007, nếu áp dụng biện pháp quá mạnh hoặc dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp quá sâu sẽ khiến thị trường đảo chiều. Điều này sẽ còn khiến thị trường bất ổn hơn tình trạng tăng “nóng” như hiện nay. Do đó, về điểm xuất phát để áp dụng các giải pháp, cần phải được xem xét cho phù hợp thực tế.
Chính Trung