Đánh tham nhũng đến cùng

ANTĐ - Hôm qua 26-10, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ 6 cựu quan chức thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC Nhật Bản). Việc đưa ra xét xử vụ án này thể hiện quyết tâm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khi thống nhất sẽ đưa 8 vụ án trọng điểm với 63 bị cáo liên quan tới hành vi nhận hối lộ, cố ý làm trái, gây thiệt hại về tài sản... ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội XII của Đảng.

Sáu bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đều từng là cựu phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, thấp nhất là trưởng phòng các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo cáo trạng, từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, các bị cáo trên với kẻ chủ mưu và đồng phạm đã ép buộc các nhà thầu do JTC làm đại diện để nhận về 11 tỷ đồng với danh nghĩa kinh phí hỗ trợ dự án. Song trên thực tế, số tiền “cống nạp” này chỉ dùng vào những việc không đúng chủ đích. 

Từ vụ đại án này “soi” lại những vụ “tày trời” đã xét xử như Vinashine, Huyền Như và một số chi nhánh ngân hàng, có thể rút ra những bài học “xương máu” và đau xót trên mặt trận phòng chống tham nhũng ngày càng khốc liệt, quyết liệt. Những vụ án bị phát hiện, phanh phui hàng năm trời tưởng sẽ rơi vào “quên lãng”, cuối cùng kể cả những thủ phạm mưu sâu, kế hiểm, tìm cách trốn lủi, thoát thân “bỏ của chạy lấy người” ra nước ngoài cũng không thoát khỏi “lưới trời” cũng như sự truy đuổi theo dấu vết của cơ quan điều tra tội phạm.

Tuy nhiên, bài học đau xót rút ra vẫn là bài học muôn thuở mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức “học” mãi không thuộc, thậm chí không muốn học. Tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã trở thành căn bệnh phổ biến, dễ mắc nhất không chỉ trong những đại án đã xét xử và những vụ còn lẩn khuất trong bóng tối.

Cử tri và công luận đã từng lên tiếng về tình trạng “tham nhũng vặt” mặc dù không đến mức nguy hiểm, nguy hại. Song đây cũng chính là mầm mống, mảnh đất “nảy nở” tham nhũng. Những “phát súng” đánh tham nhũng đã khai hỏa khiến lòng dân phấn chấn, tin tưởng vào quyết tâm đánh loại tội phạm này đến cùng, không khoan nhượng. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc, điều cực kỳ quan trọng là làm sao để người có chức quyền không dám, không thể, không được “nhúng chàm”!