Đánh giá đầy đủ thời cơ, thách thức khi hội nhập

ANTĐ - Báo cáo trước Quốc hội sáng 20-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế - xã hội nước ta trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, đặc biệt khi chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng kinh tế thế giới.

Đánh giá đầy đủ thời cơ, thách thức khi hội nhập ảnh 1Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp đà phục hồi, có nhiều chuyển biến tích cực       Ảnh: Thuần Thư

Kinh tế đang trên đà phục hồi

9 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Về thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), tổng thu NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Về xuất nhập khẩu, tuy 9 tháng đầu năm nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, song vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (dưới 5%). Đặc biệt, những tháng đầu năm nay, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và giá dầu liên tục giảm sâu đã tác động lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Song với những giải pháp, chính sách kịp thời của Chính phủ, về tổng thể nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển. Tăng trưởng kinh tế trong Quý III-2015 cao hơn nhiều so với Quý II và dự báo cả năm sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ phân tích, để hạn chế tác động của việc giảm giá dầu (giá dầu thô xuất khẩu của nước ta ước tính bình quân cả năm 2015 khoảng 56,7 USD/thùng) đến thu NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Tổ điều phối vĩ mô xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó như: thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chống thất thu, chống gian lận thương mại... tăng nguồn thu nội địa, bù giảm thu dầu thô và xuất nhập khẩu để bảo đảm tổng thu NSNN không bị giảm và bảo đảm cân đối tổng thể thu chi NSNN theo đúng kế hoạch đã đề ra. Về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh kịp thời tỷ giá giữa VND và USD nhằm giảm bớt sức ép tâm lý thị trường. Việc điều chỉnh tăng và nới rộng biên độ dao động của tỷ giá ngoại tệ là giải pháp đúng đắn, phù hợp để giảm tác động tiêu cực và hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu.

Chỉ rõ 9 điểm còn hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt và cả những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế cần giải quyết. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu; Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm; Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức; Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động... 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, thời gian tới đây, việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Việc thực hiện thành công Hiệp định TPP sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

“Với những kinh nghiệm trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta tin tưởng rằng sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trình bày thẩm tra về báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, dù bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn vừa qua tác động nhiều hơn đến nền kinh tế so với dự báo, song tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội năm 2016, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau sự kiện kết thúc đàm phán TPP mới đây. Ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng cần tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai để ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tạo thế và lực mới cho đất nước

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII sáng 20-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung công việc rất “nặng nề” với 5 nhóm công việc quan trọng, quyết sách nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đây là kỳ họp diễn ra trong không khí toàn xã hội phấn khởi trước sự hồi phục, tăng trưởng khả quan của nền kinh tế. Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt vẫn rất lớn, nền kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc, cơ cấu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, nợ công cao, nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, tiền tệ thắt chặt, năng suất lao động thấp… Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.  

Bà Lê Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Hiệu ứng tích cực trên các lĩnh vực
Đánh giá đầy đủ thời cơ, thách thức khi hội nhập ảnh 3
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII quyết định nhiều vấn đề và tôi kỳ vọng kỳ họp này sẽ  thành công tốt đẹp với việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là vấn đề chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra vào tháng 1-2016. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến, đồng thời cũng thông qua 18 dự án Luật và cho ý kiến vào 8 dự án luật quan trọng khác. Với tinh thần quyết tâm của các ĐBQH, tôi tin tưởng kỳ họp mang lại hiệu ứng tích cực trên các lĩnh vực, nhất là các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề chính xuyên suốt được đề ra trong kỳ họp.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng: Dấu ấn đổi mới chất vấn

Đánh giá đầy đủ thời cơ, thách thức khi hội nhập ảnh 4
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII bàn nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là xây dựng pháp luật, trong đó có các Bộ luật lớn như Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự... và các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, kỳ họp này sẽ tổ chức chất vấn theo phương pháp mới, đây cũng là dấu ấn đặc biệt nhất của kỳ họp, một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tích cực hoàn thành các chương trình Quốc hội đề ra, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. 

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn tại kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian nhiều hơn để bàn về các vấn đề phát triển đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.