Dẫn vụ Quân 'xa lộ', vợ đánh chết chồng vì tín dụng đen, Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm dịch vụ đòi nợ thuê

ANTD.VN - Khẳng định không phải “quản không được thì cấm” mà cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ luỵ xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Huyền Ngọc, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đề nghị đưa dịch vụ này vào danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh như dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét.

Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Phạm Huyền Ngọc phát biểu trước Quốc hội

Thảo luận về có nên hay không đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế. 

Trong hoạt động thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành có một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực. Bên đòi nợ tìm mọi cách để huỷ hoại tài sản trái pháp luật, đe doạ, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. 

“Nhiều nơi lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ gây chết người. Phổ biến là hành vi đe doạ người thân, cha mẹ con nợ”, Đại tá Phạm Huyền Ngọc cho hay.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới. Ví dụ con nợ là giáo viên thì đối tượng đòi nợ gọi điện đe doạ cả ban giám hiệu nhà trường, hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

“Những hành vi này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng Công an rất khó xác định và xử lý đối tượng”, Đại tá Phạm Huyền  Ngọc nói và chỉ ra rằng, quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng do thiếu quy định chặt chẽ nên dịch vụ đòi nợ đang là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen.

Dẫn chứng vụ Quân “xa lộ”, hay mới nhất là vào ngày 18-11 tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng… Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận khẳng định, không phải “quản không được thì cấm” mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ luỵ xã hội.

“Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý”, Đại tá Phạm Huyền Ngọc nhấn mạnh.

Cùng bày tỏ ủng hộ đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra thực trạng các giấy tờ cho vay nếu mang ra toà sẽ vô hiệu bởi vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vi phạm cho vay nặng lãi nên đã tìm tới dịch vụ đòi nợ, dẫn đến nhiều hệ luỵ sau đó. 

Cho rằng tồn tại này là "không thể chấp nhận", ông Nghĩa cho rằng bên cạnh việc cấm dịch vụ đòi nợ thì để giải quyết loại tranh chấp này, cần tăng cường hệ thống hoà giải cơ sở, các hình thức hoà giải khác nhau trong đó có Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đang trình Quốc hội xem xét.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu lại bày tỏ không đồng tình với việc đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh như dự thảo luật, bởi cho rằng đây là nhu cầu thực tế và có xu hướng ngày càng gia tăng trong bối cảnh hiện nay.

Trước 2 luồng ý kiến trái chiều này, giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ban soạn thảo đã rất cân nhắc khi đưa nội dung này vào dự thảo luật.

“Đây là vấn đề rất phức tạp. Trước đây, chúng ta đưa vào dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên căn cứ ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận, ban soạn thảo tiếp tục rà soát trước khi trình Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.