Dấn thân và nuôi dưỡng xúc cảm từ những dòng tin

ANTD.VN - Các nhà báo, phóng viên sẽ trưởng thành hơn khi họ được hành nghề công tâm, trong sáng, khách quan trong môi trường tòa soạn báo tôn trọng danh dự và sự tử tế.

Làm nghề báo, làm phóng viên, hay bất cứ nghề nghiệp nào đều cần sự dấn thân. Sự dấn thân đòi hỏi lòng yêu nghề, nêu cao trách nhiệm xã hội, lòng dũng cảm, sẵn sàng xông pha, chấp nhận hy sinh hay thậm chí có tình huống phải chấp nhận cả hiểm nguy rình rập. Có không ít sinh viên chuyên ngành báo chí, truyền thông đến thực tập ở tòa soạn báo vẫn chưa thể trả lời hết được câu hỏi: “Dấn thân trong nghề báo để làm gì?”. Câu trả lời không khó và cũng chẳng dễ nếu như họ chưa có những suy nghĩ thấu đáo về nghề, hay chưa có đủ trải nghiệm về nghề. Các cụ ta chẳng đã bảo rằng, nghề chọn người. 

Và với nghề báo, sự dấn thân không chỉ đơn thuần là lao vào hoạt động tác nghiệp báo chí bất chấp mọi gian nan, thử thách. Sự dấn thân phải có tính mục đích khi nhà báo, phóng viên đeo đẳng, theo đuổi để tìm kiếm sự thật khách quan, tìm kiếm sự trung thực để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật và công lý, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Sự dấn thân trong nghề báo đồng thời còn có mục đích bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, những hoàn cảnh, thân phận gặp khó khăn, hoạn nạn cần sự trợ giúp…   

Người làm nghề chân chính, chỉ viết báo đơn thuần khó mà giàu có được, nhưng đã trót theo nghề thì họ cũng không dễ bỏ, đơn giản cũng bởi đam mê. Nếu không có sự xả thân, lăn lộn, dũng cảm khi tác nghiệp; nếu không có sự hào hứng, đồng cảm với niềm vui, hạnh phúc của đồng bào; nếu không có sự cảm thông, sẻ chia trước những thiệt thòi, mất mát của những người dân rơi vào cảnh khó khăn, hoạn nạn mà nhà báo, phóng viên trực tiếp chứng kiến và ghi nhận; nếu không có sự băn khoăn, trăn trở với những nỗi lo lắng của bà con mà mình “tai nghe, mắt thấy”; nếu không có sự bức xúc, bất bình trước những suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua sự nhập vai điều tra thâm nhập của nhà báo, phóng viên... thì không thể tạo ra xung lực mạnh mẽ và sâu sắc cho trái tim của người cầm bút. Người làm nghề báo tuy rất cần “cái đầu lạnh” nhưng nếu không có sự thôi thúc dấn thân từ “trái tim nóng” thì đừng hy vọng tạo ra những “đứa con tinh thần” có giá trị phục vụ công chúng. 

Bên lề Hội Báo toàn quốc năm 2019, một câu chuyện được nói đến là thời buổi công nghệ 4.0 tác động đến nhà báo, phóng viên tới mức… không tưởng. Nào là làm báo thời 4.0, trí tuệ nhân tạo có thể làm hết mọi thứ thay phóng viên; nào là robot thông minh có thể tự sản xuất được những thông tin để phục vụ nhu cầu công chúng; nào là người nói ngọng cũng có thể làm truyền hình được, vì đơn giản là đã có phần mềm dựng phóng sự và đọc lời dẫn tự động thay cho mọi phóng viên có tật phát âm ngọng nghịu... Nhưng có lẽ, dù “phóng viên robot” có siêu đẳng đến mức nào thì cũng không thể, không bao giờ thay thế được cảm xúc và trái tim của người làm báo!

Sự dấn thân và nuôi dưỡng xúc cảm của phóng viên từ những dòng tin, đem lại cho bạn đọc những tác phẩm báo chí cách mạng mang hơi thở thời đại. Thông tin được chia sẻ trên mặt báo cần chứa đựng ở bên trong sự tiến bộ, tinh thần dũng cảm và tính nhân văn. 

Bởi thế, các nhà báo, phóng viên sẽ trưởng thành hơn khi họ được hành nghề công tâm, trong sáng, khách quan trong môi trường tòa soạn báo tôn trọng danh dự và sự tử tế.