Dân phải giám sát
(ANTĐ) - Người ta đã có thể hình dung rõ hơn về sự đồ sộ, phức tạp của hệ thống thủ tục hành chính (TTHC) sau khi các Bộ, ngành, địa phương thống kê thủ tục thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Con số tổng hợp khiến người ta giật mình bởi văn bản, thủ tục hành chính (TTHC) của chúng ta quá nhiều. “Nhiều đến mức ngay cả Bộ trưởng, Giám đốc Sở cũng không biết ngành mình có bao nhiêu TTHC” - lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tính đến thời điểm hiện tại, thống kê ở 4 cấp chính quyền cho thấy có tới 5.500 TTHC, với 82.786 biểu mẫu. Số lượng văn bản quy định TTHC lên tới 7.641. Trong khi đó, ở cấp Bộ, cơ quan ít nhất cũng ngót nghét 100 TTHC. Bộ Tài chính hiện tạm “dẫn đầu” với 840 TTHC!
Nhấn mạnh tới chủ thể cần hướng tới là người dân trong quá trình cải cách TTHC, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cam kết: “Những gì gây phiền hà cho dân đều phải loại bỏ”. Thế nhưng, việc cắt giảm cũng không đơn giản vì liên quan đến quyền lợi của nhiều phía. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trên hết vẫn phải là vì người dân, vì doanh nghiệp. “Phải lắng nghe người dân, doanh nghiệp và các tổ chức để họ giúp phát hiện ra những thủ tục phiền hà cần loại bỏ. Khi phát hiện ra những thủ tục phiền hà, không hợp lý, người dân có thể phản ánh trực tiếp tới Trang tin điện tử (thutuchanhchinh.vn) của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng” - ông Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng.
Không chỉ cải tiến, rút gọn hay lược bớt TTHC, phải cải cách cả phương thức làm việc mới có thể phục vụ dân tốt hơn. Bởi theo ông Nguyễn Xuân Phúc, để bớt phiền hà còn “liên quan đến phẩm chất của cán bộ”. Nếu cán bộ cứ tham nhũng, cứ tiêu cực thì phiền hà không hết được. Thế nên, cùng với giảm thủ tục, công khai hóa thủ tục thì phải kiểm soát được cán bộ mới ngăn chặn được phiền hà. Trách nhiệm này phần lớn thuộc chính quyền các cấp phải làm. Cấp trên giám sát cấp dưới, và quan trọng nhất là dân phải giám sát. Nơi nào cửa quyền, hách dịch, người dân biết đều có thể phản ánh trực tiếp tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời.
Hà Nội cũng đang ráo riết cải tiến hệ thống thủ tục để đảm bảo các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với Nhà nước được giải quyết nhanh nhất, đặc biệt là liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư... Quan điểm của Hà Nội là không hô khẩu hiệu suông, không dàn hàng ngang mà hãy bắt đầu từng việc một. Những việc đơn giản nhất, song mang lại hiệu quả thì làm trước. Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác luôn áp dụng mọi giải pháp có thể để hạn chế, dẹp bỏ hoặc giảm tới mức tối thiểu sự nhũng nhiễu, hành dân khi làm TTHC. Song ở đây là câu chuyện từ hai phía. Bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Cơ chế đã có, thái độ của chính quyền rất rõ nhưng nếu người dân, doanh nghiệp không dũng cảm, không nghiêm túc thì không thể dẹp bỏ được nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Chính Trung