Dân kiện chủ tịch huyện, phải để Tòa án tỉnh xét xử

ANTĐ - Theo quy định hiện nay, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện do Tòa án nhân dân (TAND) huyện thụ lý. Thảo luận tại tổ về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) chiều 4-6, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, để TAND huyện xét xử quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện sẽ khó đảm bảo khách quan.

ĐB Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội dẫn chứng, qua tiếp công dân tại Hà Nội, rất nhiều người đến khiếu kiện quyết định hành chính của quận/ huyện, trong đó 80% liên quan đến các quyết định hành chính về lĩnh vực đất đai do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện ký. Tổ cán bộ tiếp công dân hướng dẫn họ khiếu kiện ra tòa án thì đa số không muốn. Theo ĐB Đào Văn Bình, điều này khá dễ hiểu bởi để TAND huyện xét xử một quyết định hành chính của chính quyền huyện ban hành, do Chủ tịch UBND huyện ký thì khó đảm bảo tính thuyết phục. Do vậy, nên quy định cho TAND cấp tỉnh xét xử các án hành chính cấp huyện. Đây cũng là quan điểm của nhiều ĐBQH tổ Hà Nội. 

Tại tổ TP.HCM, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, án hành chính liên quan tới chủ tịch UBND huyện, nếu để tòa án huyện xử sẽ có sự nể nang. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cũng đề nghị tất cả các quyết định hành chính của UBND quận, huyện nếu có khởi kiện phải để Tòa án tỉnh xét xử. “Làm sao thẩm phán tòa huyện dám xử chủ tịch huyện. Ngay cả khi xét xử người dân thắng kiện đi chăng nữa thì đến thi hành án vẫn cực kỳ khó khăn. Tôi đang cầm một loạt hồ sơ UBND không chịu thi hành, cơ quan thi hành án cũng bó tay” – ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tại tổ Thái Nguyên, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Trong một vụ khởi kiện quyết định hành chính do Chủ tịch UBND huyện ký ban hành, dù thẩm phán hoạt động theo nguyên tắc độc lập nhưng quan hệ giữa thẩm phán với lãnh đạo cấp huyện rõ ràng là có. Tòa án là cơ quan tư pháp nhưng vẫn có lệ thuộc vào chính quyền. Liệu TAND cấp huyện xử Chủ tịch UBND huyện ấy có được không?” – ĐB Lê Thị Nga phân tích.

Một nội dung khác được các ĐBQH rất quan tâm là quy định về người đại diện. “Án hành chính là dân kiện quan song thực tế có thấy quan nào ra tòa đâu, toàn ủy quyền cho cấp dưới mà chưa hẳn người được ủy quyền là những người có liên quan nên họ chủ yếu đến tòa nghe và về báo cáo lại. Vì vậy, tranh luận tại phiên tòa không đạt được hiệu quả” – ĐB Đỗ Văn Đương lập luận.